Dữ liệu y khoa

Đo điện thế niêm mạc thực quản điều trị trào ngược dạ dày thực quản

  • Tác giả : Hồng Loan
(khoahocdoisong.vn) - Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (GERD) đang ngày một tăng lên, có khoảng 7 triệu người mắc bệnh trong đó có khoảng 60% không điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng như các vấn đề hô hấp nghiêm trọng, hẹp thực quản, barrett thực quản, thậm chí là ung thư thực quản.

Hiện nay, việc chẩn đoán chính xác bệnh lý này vẫn còn một số thách thức, đặc biệt trong các trường hợp triệu chứng không điển hình hoặc không đáp ứng với điều trị. Trong khi đó, tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán GERD là kỹ thuật đo pH-trở kháng 24 giờ. Kỹ thuật này có một số điểm không thuận lợi như yêu cầu máy móc hiện đại, nhân viên cần phải được đào tạo chuyên sâu, giá thành cao và bệnh nhân phải đeo máy trong vòng 24 giờ. Vì vậy, cần có thêm các công cụ mới giúp hỗ trợ chẩn đoán GERD nhanh hơn. Một trong các công cụ đó là kỹ thuật đo điện thế niêm mạc thực quản.

Kỹ thuật này được dựa trên nguyên lý niêm mạc thay đổi tính dẫn điện khi tính thấm niêm mạc thay đổi. Trên thế giới, một số nghiên cứu đã ghi nhận có sự thay đổi của các liên kết giữa các tế bào niêm mạc thực quản, từ đó làm tăng tính thấm niêm mạc ở những người bị mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản. Vì vậy, các nhà khoa học đã đặt ra giả thuyết là việc đánh giá tính thấm của niêm mạc thông qua điện thế niêm mạc có thể là công cụ hỗ trợ chẩn đoán sớm bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.

Kỹ thuật đo điện thế niêm mạc thực quản được tiến hành ngay trong quá trình nội soi đường tiêu hóa trên, sau khi bác sĩ nội soi đã đánh giá xong các tổn thương ở thực quản, dạ dày và tá tráng. Một catheter có điện cực ở đầu sẽ được đưa qua dây nội soi và tiếp xúc với bề mặt niêm mạc, từ đó đánh giá khả năng dẫn điện (điện thế niêm mạc) của niêm mạc bệnh nhân.

Theo GS.TS Đào Văn Long , nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, trên thế giới, kỹ thuật này bắt đầu được ứng dụng và đã có các kết quả bước đầu khả quan trên bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản, nóng rát chức năng, khó tiêu chức năng, viêm loét đại trực tràng chảy máu… Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa gan mật đã bắt đầy triển khai kỹ thuật này từ giữa năm 2020. 

Nhóm nghiên cứu tiến hành nghiên cứu trên 39 bệnh nhân nội soi đường tiêu hóa trên, được chia làm hai nhóm là có triệu chứng trào ngược điển hình và không có triệu chứng trào ngược. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở những bệnh nhân có tổn thương trào ngược trên nội soi, giá trị điện thế niêm mạc ở cả hai vị trí thực quản trên đường Z 5cm và 15cm cao hơn rất nhiều so với những bệnh nhân không có viêm thực quản trào ngược và người khỏe mạnh. Kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu của tác giả Matsumura và cộng sự tiến hành trên 120 bệnh nhân ở Bệnh viện Chiba, Nhật Bản.

Khi phân tầng bệnh nhân dựa vào triệu chứng trào ngược (đánh giá bằng thang điểm GERD-Q) và tổn thương viêm thực quản trên nội soi cũng cho thấy sự khác biệt của điện thế niêm mạc ở cả 2 vị trí. Từ báo cáo của nhóm nghiên cứu có thể thấy, tổn thương trào ngược trên nội soi có liên quan đến điện thế niêm mạc ở cả đoạn thực quản trên đường Z 5cm và 15cm.  

Mặc dù nghiên cứu chỉ mới ở bước đầu, tuy nhiên cũng đã ghi nhận được kết quả khả quan. Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật sẽ tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật đo điện thế niêm mạc thực quản để đưa vào triển khai rộng rãi. Song song với đó, Viện cũng đồng thời tiến hành so sánh, đối chiếu kết quả đo điện thế với kết quả đo pH-trở kháng 24 giờ, pep-test và mô bệnh học để góp phần nâng cao hiệu quả trong việc thăm khám và điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản tại Việt Nam.

Hồng Loan

BẢN DESKTOP