Khoa học & Công nghệ

Đồ điện hỏng là tự ý sửa

Khi đồ điện hỏng nhiều người tự sửa tại nhà. Tuy nhiên việc tự ý mày mò sửa chữa, do không có kiến thức chuyên môn đôi khi mang lại nguy cơ hỏng nặng hơn; thậm chí tuy hiếm gặp nhưng không phải không có những trường hợp có thể đe dọa tính mạng.

Việc tự ý sửa chữa đồ điện tử hỏng tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Càng sửa càng hỏng

Chị Đào Thu Nga (N07 Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội), kể hôm trước chị đi làm về giật mình khi thấy bố chị, đã hơn 80 tuổi đang hì hục tháo chiếc quạt điện ra “chọc ngoáy” với lý do quạt đang chạy êm giờ không quay được nữa.

“Tuy nhiên, sau gần hai tiếng ông cụ hì hục tháo tung từng cánh quạt, ốc vít vứt tung tóe khắp nhà, thì quạt càng hỏng nặng. Mới đầu chiếc quạt chỉ là phát ra tiếng kêu lục cục và không quay được, sau khi chiếc quạt đã bị tháo rời toàn bộ thì ngay cả việc lắp lại thế nào cho nó đúng là cái quạt cũng là điều không thể, chứ chưa nói đến việc ông cụ sửa được cho nó quay”, chị Nga chia sẻ.

Cuối cùng chị mang quạt ra hàng sửa chữa,chỉ mất 20 phút và 100.000 đồng là chiếc quạt có thể hoạt động bình thường trở lại.

KS Trương Văn Hùng, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Hùng Lâm, cho biết, trường hợp của gia đình chị Nga là khá phổ biến. Hầu hết với những thiết bị đơn giản như máy sấy, quạt, bóng đèn… khi bị hỏng, những người có sự am hiểu nhất định về điện trong gia đình (chủ yếu là nam giới) sẽ tự sửa tại nhà.

Đến khi nào sửa không được mới nhờ đến những nơi chuyên sửa chữa đồ điện. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp ở nhà đã “chọc ngoáy” mà không thành khi ra cửa hàng sửa chữa, đồ điện có nguy cơ bị hỏng nặng hơn cái hỏng ban đầu rất nhiều.

TS Nguyễn Phan Kiên, Bộ môn Công nghệ Điện tử và Kỹ thuật Y sinh, Viện Điện tử Viễn thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội: Bất kể một sản phẩm nào mà nguồn của chúng có tụ (ví dụ như tivi) đều có thể bị phát nổ, tụ càng lớn thì nổ càng to và nguy hiểm càng lớn. Vì thế, trong quá trình sử dụng, một khi tivi xảy ra lỗi thì người sử dụng tuyệt đối không nên tự ý tháo, sửa chữa bởi các mạch điện trong tivi có thể gây nổ rất lớn thậm chí có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Lúc này, không nên sử dụng tiếp sản phẩm hoặc tự ý sửa chữa. Hãy liên hệ với nhà sản xuất hoặc nơi bán hàng để được kiểm tra và sửa chữa kịp thời.

Tùy cái có thể sửa tại gia

Theo KS Trương Văn Hùng, thật ra, đối với đồ điện, cũng có loại có cấu tạo đơn giản và có loại cấu tạo phức tạp. Đối với những loại thiết bị có cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng ví dụ như thay bóng đèn chúng ta có thể làm tại nhà. Tuy nhiên, đối với đồ điện nói chung, đặc biệt là đồ điện tử thì dù là thiết bị đơn giản hay phức tạp, khi chúng ta quyết định sửa tại nhà chúng ta phải đảm bảo ít nhất một số yêu cầu.

Thứ nhất đấy là phải biết kiến thức về điện, biết cấu tạo và nguyên lý hoạt động của thiết bị điện cần sửa, ví dụ khi sửa cái quạt, bạn cần biết nguyên lý hoạt động của cái quạt, biết “đoán” xem quạt hỏng là do nguyên nhân gì và làm thế nào để có thể khắc phục.

Thứ hai là bạn phải có dụng cụ sửa chuyên dụng để sửa chứ không phải tìm bừa một dụng cụ nào đó có thể dùng được để làm dụng cụ sửa. Thứ ba, bạn phải có kiến thức về an toàn điện, có rất nhiều trường hợp, khi sửa không ngắt nguồn điện dẫn đến bị giật, hoặc khi sửa xong, trong quá trình thử xem đồ vừa sửa đã được chưa lại bị điện giật…

Tốt nhất, bạn dù có kiến thức, có sự hiểu biết bạn cũng chỉ nên sửa những đồ điện có cấu tạo và nguyên lý hoạt động đơn giản. Đối với những thiết bị điện tử có nguyên lý hoạt động phức tạp bạn nên nhờ đến người có chuyên môn sâu, bởi với những đồ phức tạp có thể bạn không hiểu hết cấu tạo của nó cũng như không có đủ dụng cụ để sửa. Lúc này, bạn đừng nên tự ý sửa tại nhà, hãy liên hệ với nhà sản xuất hoặc nơi bạn mua thiết bị đó để được bảo hành.

Đức Anh

BẢN DESKTOP