Khoa học & Công nghệ

Độ chính xác của que thử thai nhanh

Que thử thai nhanh là công cụ hữu ích giúp chị em phụ nữ phát hiện sớm việc mang thai của mình, tuy nhiên không phải lúc nào kết quả thử nghiệm cũng đạt độ chính xác cao nhất.

Những ngày gần đây, dư luận đang quan tâm đến một sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện FV (quận 7, TP.HCM), khi một bệnh nhân tố bác sĩ cho uống thuốc phá thai trong khi đang mang thai.

Trong một ngày đi khám tại Bệnh viện FV (quận 7, TP.HCM), bệnh nhân Nguyễn Thị Mộng Châu nhận được hai kết quả khi dùng que thử thai: Sáng âm tính, tối dương tính.

Đơn thuốc của bác sĩ Lê Thanh Hùng – Bệnh viện FV – kê cho bệnh nhân Nguyễn Thị Mộng Châu. Ảnh: FBNV.

Que thử thai nhanh là gì và hoạt động ra sao?

Que thử thai là một dụng cụ xét nghiệm định tính nhằm phát hiện nồng độ hormone beta-HCG (Human Chorionic Gonadotropin). Đây là một chất do nhau thai tiết ra và có mặt trong nước tiểu nhằm xác định việc có mang thai hay không. Hormone beta-HCG được gọi là “hormone thai kỳ” vì nó chỉ được sản sinh sau khi trứng đã được thụ tinh. Lượng hormone này sẽ tăng lên cực nhanh sau khi trứng được thụ tinh và que thử thai hay xét nghiệm máu đều dựa trên sự thay đổi nồng độ hormone này.

Nồng độ beta-HCG bình thường ở phụ nữ không mang thai là ít hơn 5.0 mIU/ml, nồng độ này ở phụ nữ mãn kinh là ít hơn 9.5 mIU / ml. Các que thử thai trên thị trường hiện nay thường có độ nhạy khoảng 20 đến 25 mIU/ml, nghĩa là khi có thai và nồng độ beta-HCG vượt quá ngưỡng trên thì cho kết quả dương tính khi làm thử nghiệm, lúc này trên que thử xuất hiện hai vạch. Trong trường hợp ngược lại, khi không có thai hoặc nồng độ beta-HCG chưa đạt ngưỡng thử nghiệm sẽ cho kết quả âm tính, trên que thử chỉ xuất hiện một vạch.

Nếu có chu kỳ kinh nguyệt ổn định, khoảng 7 ngày sau khi nhận thấy kinh nguyệt bị chậm trễ, có thể dùng que thử thai. Tuy nhiên, trong trường hợp thông thường, khoảng 7-10 ngày sau khi quan hệ tình dục, cũng đã có thể nhận biết dấu hiệu có thai với que thử.

Âm tính giả và dương tính giả

Chỉ số beta-HCG trong máu và trong nước tiểu đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán mang thai sớm. Phương pháp dùng que thử thai nhanh để tìm sự biến đổi nồng độ beta-HCG trong nước tiểu cho kết quả nhanh và tiện lợi vì đây là phương pháp định tính (thử nghiệm cho kết quả âm tính hoặc dương tính). Phương pháp xét nghiệm định lượng nồng độ beta-HCG trong máu cho kết quả chính xác giúp bác sĩ chẩn đoán việc mang thai cũng như tầm soát các vấn đề khác liên quan như tính tuổi thai, chẩn đoán thai kỳ bất thường (thai ngoài tử cung), chẩn đoán nguy cơ sảy thai, tầm soát hội chứng Down.

Mặc dù cả hai phương pháp đều cho kết quả chính xác rất cao và được áp dụng rộng rãi, trên thực tế (nếu loại trừ nguyên nhân do chất lượng que thử hoặc sai số của máy xét nghiệm) có rất nhiều trường hợp cho kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nếu xét nghiệm được thực hiện quá sớm, trước khi cơ thể có thời gian để sản xuất đủ beta-HCG có thể dẫn tới kết quả âm tính giả. Do nồng độ beta-HCG thay đổi rất nhanh trong thời kỳ đầu mang thai, xét nghiệm định lượng beta-HCG nên được lặp lại trong vòng 48-72 tiếng để quan sát sự thay đổi của nồng độ hormone này. Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc kháng dị ứng, thuốc an thần cũng có thể gây ra kết quả xét nghiệm beta-HCG âm tính giả.

Nếu mẫu xét nghiệm có chứa protein, máu hoặc gonadotropin tuyến yên dư thừa có thể dẫn tới kết quả xét nghiệm dương tính giả. Tình trạng này cũng có thể xảy ra nếu cơ thể sản xuất ra loại kháng thể có mảnh vỡ của phân tử HCG.

Chính vì vậy việc sử dụng các phương pháp xác định mang thai cần dựa trên sự hiểu biết nhất định, đặc biệt với que thử thai nhanh. Đây là phương pháp tiện lợi, chi phí thấp và thời gian cho kết quả nhanh tuy nhiên sử dụng phương pháp này một cách độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác không phù hợp sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ đáng tiếc.

Theo Minh Trường/News.zing.vn

BẢN DESKTOP