KHOẺ ĐẸP

Đồ ăn đường phố, ngon miệng nhưng tiềm ẩn hiểm họa khôn lường

  • Tác giả : Trương Hiền
Đồ ăn đường phố từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, phía sau hương vị đậm đà và giá rẻ là những mối nguy hại không phải ai cũng nhận ra.

Bánh tráng trộn, nem chua rán, xiên que nướng, bắp xào, trà sữa, hủ tiếu gõ, bánh mì… đó là những cái tên mà chỉ nghe thôi là nhiều người đã thấy bụng sôi réo. Đồ ăn đường phố từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt với học sinh, sinh viên, dân văn phòng hay những ai thích sự tiện lợi và nhanh gọn.

Không thể phủ nhận độ hấp dẫn của những món ăn vặt vỉa hè, rẻ, nhanh, ngon miệng, dễ tiếp cận. Đó là lý do vì sao ai cũng từng ít nhất một lần “ghé ngang” vài xe đẩy bên đường. Thế nhưng, ăn ngon chưa chắc đã an toàn. Phía sau hương vị đậm đà và giá rẻ ấy là những mối nguy hại mà không phải ai cũng nhận ra ngay.

Hình minh hoạ/ Nguồn: Internet

Hình minh hoạ/ Nguồn: Internet

Ăn một lần vui miệng, chịu hậu quả cả tuần

Có không ít trường hợp người tiêu dùng phải nhập viện vì ngộ độc sau khi ăn đồ ăn đường phố. Những biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, sốt… tưởng là nhẹ nhưng nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nặng.

Nguyên nhân có nhiều, từ nguyên liệu bẩn, không rõ nguồn gốc, thực phẩm để lâu ngày ngoài trời, cho đến cách chế biến không đảm bảo vệ sinh. Có những món ăn được chế biến ngay cạnh rãnh nước, bụi đường bốc lên mù mịt, ruồi nhặng bay vo ve. Người bán thì tay trần bốc đồ, lau tay bằng chiếc khăn đã dùng từ sáng đến tối. Dụng cụ nấu nướng chưa kịp rửa sạch đã tiếp tục chế biến cho khách kế tiếp.

Nhiều hàng còn sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần đến mức đen kịt, hay dùng hương liệu, phẩm màu không rõ xuất xứ để làm món ăn trông bắt mắt hơn. Mọi thứ đều diễn ra nhanh chóng, tiện lợi, nhưng cái giá phải trả có khi là sức khỏe, là tiền viện phí, sự mệt mỏi cả tuần sau đó.

Đằng sau món ngon là những rủi ro tiềm ẩn

Không phải ai cũng nhận thức được hết tác hại khi ăn phải thực phẩm không an toàn. Ngoài các biểu hiện cấp tính như ngộ độc, đồ ăn kém vệ sinh còn có thể gây ra các bệnh mãn tính về đường tiêu hóa, gan, thận nếu sử dụng thường xuyên. Một số chất phụ gia độc hại nếu tích tụ lâu ngày trong cơ thể có thể gây rối loạn nội tiết, tổn thương gan, thậm chí là tăng nguy cơ ung thư.

Người lớn còn có sức đề kháng, nhưng trẻ em, người già, người có bệnh nền rất dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ một lần ăn phải đồ không sạch cũng đủ khiến hệ tiêu hóa “kêu cứu”.

Làm sao để ăn đồ vỉa hè mà vẫn an toàn?

Không thể phủ nhận sự hấp dẫn và tiện lợi của đồ ăn đường phố, nhưng ăn sao cho an toàn là điều mà ai cũng nên lưu ý. Dưới đây là một số cách đơn giản để giảm thiểu rủi ro:

Chọn hàng quán sạch sẽ, có uy tín: Hãy quan sát nơi bán trước khi mua, người bán có mang găng tay không? Thức ăn có được che chắn khỏi bụi bặm không? Dụng cụ chế biến có được vệ sinh thường xuyên không? Nếu câu trả lời là “không”, thì nên cân nhắc bỏ qua, dù món ăn có hấp dẫn đến đâu.

Tránh ăn thực phẩm đã chế biến sẵn để lâu: Các món như gỏi, nộm, thịt nguội, nước uống pha sẵn để nhiều giờ dưới trời nắng nóng rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nên ưu tiên các món được làm nóng tại chỗ hoặc vừa nấu xong.

Hạn chế ăn thường xuyên: Dù có “nghiện” đồ ăn vặt đến đâu, cũng không nên ăn thường xuyên. Cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi và đào thải độc tố. Thỉnh thoảng đổi món bằng thực phẩm tự nấu ở nhà, hoặc chọn nơi bán uy tín để giảm thiểu rủi ro.

Lắng nghe cơ thể sau khi ăn

Nếu sau khi ăn có cảm giác khó chịu như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, tốt nhất nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước và đến gặp bác sĩ nếu triệu chứng không giảm. Đừng chủ quan, vì nhiều ca ngộ độc nặng đều bắt đầu từ cảm giác “chắc không sao đâu”.

Đồ ăn đường phố là một phần thú vị trong đời sống đô thị, nó gắn với tuổi thơ, với ký ức học trò, với những buổi tan tầm mỏi mệt. Nhưng đằng sau sự hấp dẫn ấy là nhiều hiểm họa âm thầm mà nếu không cẩn trọng, bạn có thể phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình.

Trương Hiền

BẢN DESKTOP