Giải pháp

“Định giá carbon” giúp hạn chế khí thải

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - Tại Hội thảo “Vai trò của định giá carbon, các công cụ dựa vào thị trường, tiềm năng đóng góp trong việc thực hiện NDC và khả năng áp dụng ở Việt Nam”, định giá carbon được dự báo là cơ chế khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu các công nghệ xanh trong hoạt động, đồng thời có thể tạo ra nguồn thu ngân sách đầu tư cho dự án phục vụ môi trường.

Cơ chế thị trường để cơ sở quyết định giảm lượng phát thải

Định giá carbon là một công cụ kiểm soát các chi phí ngoại biên của phát thải khí nhà kính.

Về cơ bản, định giá khí thải carbon là cơ chế mà các công ty trả một khoản tiền tương ứng với lượng carbon dioxide (CO2) mà họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Định giá phát thải carbon giúp ngăn chặn các hoạt động khai thác, sử dụng, tiêu dùng năng lượng quá mức bằng cách hạn chế và giảm thiểu khả năng sinh lời của các hoạt động đó.

Như vậy, Chính phủ không phải sử dụng các công cụ áp đặt mà cung cấp một cơ chế thị trường để các cơ sở phát thải quyết định chuyển đổi hoạt động và giảm lượng phát thải, hoặc tiếp tục phát thải và trả tiền cho lượng khí thải đã thải ra.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, định giá carbon không những làm giảm rõ rệt lượng khí nhà kính, mà nếu được áp dụng trong một giai đoạn dài, có thể tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể cho các quốc gia để thực hiện các hành động giảm nhẹ với chi phí hiệu quả, phát triển xanh và hỗ trợ cộng đồng dễ bị tổn thương.

Do vậy, bên cạnh mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, công cụ định giá carbon còn góp phần bảo vệ môi trường, khuyến khích đầu tư cho phát triển sạch cũng như huy động các khoản đầu tư tài chính cần thiết để khuyến khích đổi mới công nghệ, thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế carbon thấp.

Đến nay, đã có 96/185 quốc gia, trong đó có Việt Nam áp dụng định giá carbon. Trong năm 2019, với 61 công cụ định giá carbon được áp dụng tại 46 quốc gia và 32 vùng lãnh thổ, 12 triệu tấn CO2 đã được kiểm soát, chiếm 22% tổng lượng phải thải khí nhà kính toàn cầu. Việc định giá carbon còn mang lại 45 tỷ USD thu nhập ngân sách cho các nước.

Việt Nam đã tham gia Chương trình Sẵn sàng tham gia thị trường carbon (PMR) từ năm 2012 và triển khai dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam” (VNPMR) từ năm 2015.

Trong đó, ngành thép một trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và phát thải lớn đang được Bộ Công Thương lựa chọn thí điểm tạo tín chỉ carbon từ các hành động giảm phát thải khí nhà kính quốc gia (NAMA).

Theo TS Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép Việt Nam đã phát triển với tốc độ cao trong suốt giai đoạn năm 2014 - 2018, trung bình 18% cho sản xuất và 20% cho tiêu dùng. Mức tăng trưởng này sẽ vẫn duy trì cao trong tương lai, nhưng sẽ phải đi kèm với các biện pháp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải CO2 mới có thể phát triển bền vững.

Kết quả hợp phần Dự án VNPMR của Bộ Công Thương đã đạt được những kết quả bước đầu xây dựng các chương trình giảm phát thải tạo tín chỉ và thí điểm trong ngành sản xuất thép.

Tín chỉ carbon

Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án, các chuyên gia đã xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về phương pháp tính toán phát thải khí nhà kính và xác định các giải pháp giảm nhẹ đối với các nhà máy trong ngành thép ở Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương đánh giá các nghiên cứu thí điểm trong khuôn khổ Dự án cũng cho thấy cần có đầu tư thích đáng vào hệ thống thu thập, quản lý dữ liệu về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải. Việc huy động nguồn vốn đầu tư để tham gia thị trường carbon cần được thực hiện trên cơ sở nội lực của doanh nghiệp đồng hành với chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thực hiện theo lộ trình cụ thể.

Quan trọng hơn cả, theo ông Tăng Thế Cường, Phó trưởng Ban chỉ đạo Dự án VNPMR, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Dự án đã góp phần cụ thể hóa cơ chế, chính sách về định giá carbon và thị trường carbon ở Việt Nam.

Theo đó, từ một quy định chung về hình thành và phát triển thị trường carbon trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng một Điều quy định khá chi tiết về “Định giá carbon và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trong nước” trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 6 vừa qua.

Các bộ ngành có liên quan tham gia dự án cũng sẽ có những đóng góp chính sách theo mục tiêu của Dự án đề ra trong thời gian tới.

Quốc Trọng

BẢN DESKTOP