Dữ liệu y khoa

Dinh dưỡng trong điều trị ung thư tuyến giáp

  • Tác giả : Bs Mai Văn Sâm
(khoahocdoisong.vn) - Ung thư tuyến giáp là ung thư tuyến nội tiết hay gặp nhất. Tuyến giáp có vai trò sản xuất hormone điều hòa chuyển hóa, nhịp tim, huyết áp và nhiệt độ trong cơ thể.

Trong nhiều nghiên cứu của Mỹ người ta nhận thấy có một số loại thực phẩm có liên quan đến nguy cơ ung thư tuyến giáp, ví dụ người béo phì, tiêu thụ một số sản phẩm động vật sẽ tăng nguy cơ bị ung thư tuyến giáp, ngược lại người tiêu thụ sản phẩm thực vật nhiều hơn sẽ giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp.  Dưới đây là các yếu tố dinh dưỡng liên quan đến giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp:

- Cân nặng

Để phòng tránh ung thư tuyến giáp, nên duy trì một lượng năng lượng lành mạnh và cân nặng khỏe mạnh. Các phân tích tổng hợp cho thấy, nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp là 25% ở những người thừa cân và 55% ở người béo phì so với những người có cân nặng bình thường. Song song với những phát hiện này, các nghiên cứu cho thấy, những người tiêu thụ lượng calo cao nhất có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn khoảng 30% so với những người tiêu thụ lượng thấp nhất.

- Hạn chế thịt

Những người tiêu thụ một lượng lớn thịt lợn và gia cầm được phát hiện có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn đáng kể so với những người tiêu thụ ít hoặc không có sản phẩm nào trong số này. Tiêu thụ thịt đỏ có liên quan đến nguy cơ ung thư tuyến giáp lớn hơn 57%.

- Rau

Một chế độ ăn uống bao gồm một lượng lớn rau quả sẽ làm giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp khoảng 25%, vì vậy bệnh nhân ung thư tuyến giáp nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi.

- Trà

Các nghiên cứu chỉ ra, nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp thấp hơn khoảng 25% ở những người uống trà so với những người uống ít. Ở Việt Nam, bệnh nhân ung thư tuyến giáp được khuyên uống trà 3 tách/ngày nhưng là trà sạch, không hóa chất.

- Rượu

Nên dùng rượu vừa phải, uống 2 ly vang mỗi ngày có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp khoảng 45%.

Đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp, chế độ ăn thông thường không đáp ứng đủ hàm lượng iot và các thành phần vi chất dẫn đến tình trạng tuyến giáp kém hoạt động, do đó cần một chế độ ăn chuyên biệt hơn để điều hòa hoạt động hormone tuyến giáp và nâng cao sức khỏe toàn diện.

Bệnh nhân tuyến giáp nên dùng các loại thực phẩm giàu iot có trong hải sản, rau có màu xanh đậm, rong biển, sử dụng muối iot thay muối thường và các thực phẩm được bổ sung iot khác. Người bệnh nên bổ sung canxi qua thực phẩm như sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng, vừng, cua đồng. Nên bổ sung thực phẩm giàu omega 3, 6 như cá hồi, cá trích, cá cơm và các loại hạt bí ngô, hướng dương, óc chó. Bổ sung selen qua thịt gà, tôm, cá, nấm, lúa mạch và bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin qua rau xanh, hoa quả tươi.

Ung thư tuyến giáp, giống như nhiều bệnh ung thư khác, là một bệnh có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống và lối sống, mặc dù bằng chứng chưa cho phép kết luận chắc chắn. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy, tránh các thực phẩm béo, tăng trái cây và rau quả làm giảm nguy cơ gây bệnh.

Vai trò của chế độ ăn uống và lối sống sau khi chẩn đoán ung thư tuyến giáp chưa được nghiên cứu kỹ nên phẫu thuật vẫn là lựa chọn điều trị đầu tiên, tiếp theo là hóa trị hoặc xạ trị thích hợp. Khi điều trị ung thư, bệnh nhân nên tuân thủ chế độ ăn như trên. Nhìn chung, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp là 98%. Sau 5 năm có nghĩa là khỏi và tỷ lệ tái phát rất thấp.

BS Mai Văn Sâm (BV ĐH Y Hà Nội)

Bs Mai Văn Sâm

BẢN DESKTOP