Y học và đời sống

Dinh dưỡng sau đột quỵ

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - ở những người sau đột quỵ, để hồi phục sức khỏe, lượng đạm (protein) cần giữ ở mức 0,8g/kg cân nặng/ngày.

Hỏi: Bố tôi mới mắc đột quỵ nhẹ, đang hồi phục dần. Bố tôi giờ nhúc nhắc ngồi và vận động nhẹ được, tôi nên áp dụng chế độ dinh dưỡng thế nào cho bố cho phù hợp?

Hồ Vân Thi (Hải Phòng)

BS.Lê Thị Hải, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng QG cho biết, ở những người sau đột quỵ, để hồi phục sức khỏe, lượng đạm (protein) cần giữ ở mức 0,8g/kg cân nặng/ngày. Nên chọn thực phẩm ít cholesterol và nhiều đạm thực vật (đậu đỗ, đậu tương, đậu phụ) và đạm động vật (cá biển, cá đồng, sữa, thịt nạc...). Nếu người bệnh có kèm theo suy thận, cần giảm lượng đạm còn từ 0,4g- 0,6g/kg cân nặng/ngày. Chất béo nên giữ ở mức 25- 30g chất béo/ngày, trong đó 1/3 là chất béo động vật và 2/3 là chất béo thực vật như vừng, lạc. Các loại axit béo trong dầu thực vật cũng có khả năng làm giảm nguy cơ đột quỵ.

Với vitamin và chất khoáng (có trong các loại hoa quả chín, rau củ, sữa), chứa nhiều kali, có tác dụng lợi tiểu, giảm huyết áp ở người bệnh. Trung bình một quả chuối có 400mg kali, tương đương với một ly nước cam hay một củ khoai tây nướng. Người tiêu thụ dưới 1.500mg kali/ngày sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 28% so với người tiêu thụ 2.300mg kali/ngày. Ngoài ra, dùng axit folic ít nhất 300mcg mỗi ngày cũng sẽ làm giảm 20% nguy cơ đột quỵ và 13% nguy cơ bệnh tim, so với người dùng dưới 136mcg/ngày. Axit folic có tác dụng chống xơ vữa động mạch, giảm huyết áp và hàm lượng cholesterol trong máu. Thực phẩm giàu axit folic là gan, các loại quả có vị chua, rau lá có màu xanh đậm, các loại đậu.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP