Ăn nhiều rau, hoa quả sạch: Nhiều nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng, những người ăn nhiều trái cây, rau quả, ít thịt và mỡ động vật có tỷ lệ mắc ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư vú và dạ dày thấp hơn.
Chất phytochemical, cũng được tìm thấy trong trái cây, rau, các loại đậu và ngũ cốc, là những hợp chất có thể cản trở hoạt động của chất gây ung thư và hỗ trợ các tế bào ngăn chặn sự phát triển của ung thư.
Thực phẩm thực vật có chứa chất chống oxy hóa như beta-carotene, lycopene và vitamin A, C và E, bảo vệ các tế bào khỏi các gốc tự do - các phân tử không ổn định gây tổn hại cho các tế bào khỏe mạnh và có liên quan đến lão hóa và bệnh tật
Ăn ít thịt đỏ, không ăn thịt chế biến sẵn: Hiện nay có một bằng chứng rõ ràng rằng ung thư ruột phổ biến hơn ở những người ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến nhất. Tiêu thụ thịt chế biến cũng có liên quan nhiều đến nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn. Thịt chế biến sẵn như: Giăm bông, thịt xông khói.. được WHO phân vào nhóm gây ung thư nhóm 1.
Thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt lợn…có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vì các chất tự nhiên hình thành trong quá trình tiêu hóa làm biến đổi tế bào biểu mô ruột gây ung thư. Thịt đỏ là một nguồn quan trọng của sắt, kẽm, vitamin B12 và protein nên bác sĩ không khuyên hạn chế thịt đỏ cho bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân đã điều trị ung thư xong, thịt đỏ nên hạn chế.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, Hội đồng Ung thư Mỹ khuyên bạn nên ăn không quá 455g thịt đỏ nấu chín mỗi tuần. Điều này tương đương với 700g thịt sống. Đây có thể là một khẩu phần nhỏ 65g thịt nấu chín mỗi ngày hoặc 2 khẩu phần (130g) 3-4 lần một tuần.
Thịt gia cầm chưa có bằng chứng liên quan đến nguy cơ ung thư. Ăn cá giảm nguy cơ ung thư.
Hạn chế uống rượu: Rượu có liên quan đến nguy cơ ung thư. Đàn ông không nên uống quá hai ly mỗi ngày; phụ nữ không nên uống nhiều hơn một ly
Ăn thực phẩm giàu vitamin D: Chúng bao gồm cá hồi, cá mòi, nước cam tăng cường, sữa và ngũ cốc tăng cường. Nghiên cứu cho thấy vitamin D, cũng đến từ ánh nắng mặt trời, ngăn ngừa ung thư và có thể làm giảm nguy cơ tái phát và cải thiện khả năng sống.
Kiểm soát cân nặng: Có bằng chứng cho thấy thừa cân, một yếu tố nguy cơ của nhiều loại ung thư, cũng làm tăng nguy cơ tái phát và giảm tỷ lệ sống sót. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những phụ nữ tăng hơn 6kg trong quá trình điều trị ung thư vú giai đoạn sớm có nguy cơ tái phát ung thư cao gấp 1,5 lần. Các nghiên cứu cho thấy, đối với những người đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt, thừa cân hoặc béo phì làm tăng khả năng ung thư của họ sẽ tái phát, lan rộng hoặc dẫn đến tử vong.
BS Trinh Thế Cường (Bệnh viện E)