Sau đột quỵ, một số bệnh nhân khó tiêu thụ đủ lượng calo cần thiết. Có nhiều trường hợp, người bệnh bị thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng trước khi bị đột quỵ. Những vấn đề này có thể cản trở khả năng phục hồi sau đột quỵ, tăng nguy cơ tàn tật lâu dài.
Nguyên tắc trong việc cung cấp dinh dưỡng cho người bị đột quỵ
Năng lượng nên giảm bớt để giảm hoạt động cho bộ máy tiêu hóa và tuần hoàn, tránh tăng cân, năng lượng khuyến cáo từ 30 - 35kcal/kg cân nặng/ngày (cân nặng 50kg thì năng lượng khoảng 1.00 – 1.750kcal/ngày). Lượng đạm bổ sung ít hơn người bình thường: 0,8g/kg cân nặng/ngày (trường hợp, người bệnh có suy thận, lượng đạm giảm hơn theo khuyến nghị). Chất béo nên giữ 25 - 30g chất béo/ngày.
Hạn chế Cholesterol < 300mg/ngày. Bổ sung kali, các vitamin và muối khoáng. Mỗi ngày dùng ít nhất 300mcg acid folic; Chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, hấp thu, tốt nhất ở dạng mềm lỏng: cháo, súp, sữa; 3 - 4 bữa/ngày; Tránh ăn quá no; Muối giảm 4 - 5g/ngày.
Ưu tiên ăn các loại cá: Cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá nước ngọt... Trong cá sở hữu nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng như phốt-pho, các acid béo không bão hòa, cholesterol tốt... các chất này giúp triệt tiêu những mảng xơ vữa bám trong thành mạch máu – tác nhân số 1 gây nên bệnh đột quỵ.
Rau xanh, trái cây: Là những thực phẩm không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng cho người đột quỵ. Trong rau xanh có đầy đủ hàm lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể. Trái cây có các thành phần vitamin cùng chất chống oxy hóa, giảm cholesterol... Nhờ vậy, các thực phẩm này giúp triệt tiêu gốc tự do, góp phần cải thiện chứng xơ vữa động mạch. Một số loại rau xanh, trái cây được bác sĩ khuyến khích tiêu thụ như: Rau cải xanh, súp lơ, cà rốt, quả mâm xôi, táo, họ nhà cam,...
Tăng cường sữa: Bệnh nhân sau tai biến có sức khỏe rất yếu. Do đó, việc tăng cường dưỡng chất từ sữa và các sản phẩm thay thế cực kỳ quan trọng. Cơ thể người bệnh sẽ nhanh chóng phục hồi và cải thiện các triệu chứng khác. Cụ thể: Sữa ít béo vừa có tác dụng tăng cường canxi lại không gây béo phì. Nhờ vậy, người bệnh sẽ giảm thiểu cholesterol xấu, giúp hạ huyết áp hiệu quả, hỗ trợ phòng ngừa tai biến; Sữa bò hữu cơ đóng vai trò phòng ngừa bệnh huyết áp cao do chứa nhiều kali. Đặc biệt, đây là loại sữa có hàm lượng omega-3 cao giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch; Sữa gạo đóng vai trò giảm lượng cholesterol xấu trong máu nhờ chứa nhiều carbohydrate; Sữa đậu nành không đường là loại sữa có nguồn gốc từ thực vật, ít béo; Sữa chua là một sản phẩm có nguồn gốc từ sữa, giúp giảm cân, phù hợp với những người béo phì mà bị tai biến mạch máu não.
Thực phẩm hạn chế dùng: Không nên dùng thức ăn lên men, gây kích thích như gia vị cay, nóng, chè chát, rượu, cà phê...; Tránh các thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối: cà muối, dưa muối, hành muối, thịt hun khói, bánh mỳ, xúc xích, bate...; Trứng ăn tối đa 2 quả/ngày (nên ăn cả lòng trắng và lòng đỏ).
Món ăn bồi bổ, giảm biến chứng, hạn chế đột quỵ lần 2
Cháo củ cải + đậu đỏ: Củ cải trắng 60g, gạo tẻ 60g, ý dĩ 30g, bạch biển đậu 30g, hoài sơn 30g. Củ cải trắng rửa sạch, cắt miếng đem nấu với ý dĩ, bạch biển đậu, hoài sơn và gạo tẻ thành cháo, chế đủ gia vị chia ăn vài lần trong ngày, 7 ngày là một liệu trình. Công dụng: Kiện tỳ, trừ thấp dùng thích hợp cho người bệnh bị liệt mềm nửa người, hình thể béo trệ, mệt mỏi như mất sức, ăn kém, chậm tiêu, sắc mặt vàng nhợt, nói khó, thường có hội chứng rối loạn lipit máu, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt bệu, có vết hàn răng…
Canh tôm nõn: Tôm nõn 200g, hoàng kỳ 50g. Cách chế: Đem hoàng kỳ sắc kỹ lấy nước rồi cho tôm nõn vào nấu thành canh, chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn hàng ngày. Công dụng: Ích khí, thông kinh, hoạt lạc. Món này tốt cho người bệnh bị bệnh lâu ngày, liệt bại hoặc tê bì nửa người, cơ thể mỏi mệt, ăn kém, nhiều lúc có cảm giác như thiếu không khí để thở, sắc mặt trắng nhợt, hay vã mồ hôi, chất lưỡi nhợt tối, có những điểm ứ huyết, tĩnh mạch dưới lưỡi giãn to…
Thịt hầm đại táo: Thịt lợn nạc 100g, hoàng kỳ 30g, đại táo 10 quả, đương quy 10g, kỷ tử 10g. Cách chế: Thịt lợn rửa sạch, thái miếng; các vị thuốc rửa sạch, cho vào nồi hầm cùng với thịt lợn cho thật nhừ, bỏ bã hoàng kỳ và đương quy, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày, có thể dùng liên tục trong 1 tháng. Công dụng: Tư bổ can thận, ích khí khởi nuy. Món này tốt cho bệnh nhân: Liệt nửa người, gân mạch co quắp, duỗi khớp khó khăn, lưng đau gối mỏi, đầu choáng mắt hoa, tai ù tai điếc, tinh thần trì trệ, quên nhiều, chất lưỡi đỏ, rêu mỏng, đại tiện khó khăn…