Dữ liệu y khoa

Dinh dưỡng phòng ngừa Covid-19 cho bà mẹ mang thai

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Tuy chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền SARS-CoV-2 từ mẹ sang con, song viêm phổi do virus nói chung ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh... Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra, thai phụ cần phải biết cách tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân

Ăn đủ dinh dưỡng và uống đủ nước

Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đưa ra lời khuyên về chăm sóc phụ nữ mang thai trong mùa dịch Covid-19:

Bà mẹ mang thai cần được đảm bảo bữa ăn hàng ngày đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các nhóm thực phẩm như:

1. Thực phẩm chứa nhiều tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn. Đây là nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng chủ yếu nhất. Đặc biệt là giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ khi nhu cầu năng lượng tăng cao cho sự phát triển nhanh của thai nhi.

2. Thức ăn giàu đạm đến từ thịt, cá, trứng, sữa và các loại hạt đậu đỗ: Đây là các thực phẩm giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt, cơ thể khỏe mạnh và phòng chống các bệnh nhiễm trùng. Các thực phẩm này cũng đồng thời cung cấp các khoáng chất như canxi, photpho giúp hình thành bộ xương chắc khỏe cho thai nhi, tránh loãng xương cho mẹ. Nên chọn nguyên liệu tươi và nấu chín kỹ trước khi ăn.

3. Rau tươi, trái cây tươi các loại là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày của bà mẹ mang thai. Chúng không những cung cấp khoáng chất và vitamin giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Các thực phẩm này cũng đồng thời cung cấp nhiều chất xơ có lợi cho chức năng tiêu hóa.

4. Cần thường xuyên thay đổi đa dạng các loại thực phẩm để vừa cung cấp tốt các chất dinh dưỡng vừa tạo sự ngon miệng, nhất là khi bà mẹ bị nghén.

5. Uống nước đầy đủ từ 2 - 2,5 lít mỗi ngày giúp cho các chức năng chuyển hóa, miễn dịch của cơ thể mẹ.

Ngoài ra, theo ThS Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), ngoài việc bổ sung đầy đủ, cân đối các dưỡng chất, cần thiết cho phụ nữ có thai, chị em cần đặc biệt lưu ý bổ sung vitamin D, một loại vitamin cần thiết cho chuyển hoá canxi, phát triển hệ xương của thai nhi. Bình thường cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin dưới ánh nắng mặt trời, tuy nhiên trong điều kiện hạn chế ra ngoài trời trong mùa dịch, việc bổ sung lượng vitamin D bị thiếu hụt là rất cần thiết.

Thai phụ cần tránh ăn các thực phẩm chế biến công nghiệp vì chúng thường chứa các chất không có lợi cho sức khỏe như nhiều đường, muối, chất béo bão hòa và chuyển hóa nhưng ít các khoáng chất, vitamin và chất xơ.

Thực hiện nghiêm biện pháp phòng tránh Covid-19

Theo ThS Đinh Anh Tuấn, các nghiên cứu gần đây cho thấy, chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, hay mẹ nhiễm virus trong thời gian mang thai có thể gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên cũng có báo cáo cho thấy viêm phổi do virus nói chung ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh...

Do vậy, phụ nữ có thai nên hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết. Thai phụ chỉ ra khỏi nhà nếu thật cần thiết và cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh, hạn chế chạm tay vào các vật có nhiều người tiếp xúc như nút bấm thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, dụng cụ tập thể dục, thể thao nơi công cộng, ghế ngồi, thiết bị vệ sinh công cộng, cây ATM, vé gửi xe… 

Phụ nữ có thai rất cần phải luyện tập, vận động thể lực một cách hợp lý. Do phải hạn chế ra ngoài trong mùa dịch, chị em nên tìm hiểu một số bài tập thể dục tại nhà dành cho phụ nữ có thai, nhưng phải lưu ý các động tác thể dục cần điều chỉnh cho phù hợp với tuổi thai.

Vệ sinh sạch sẽ nhà ở và nơi làm việc: Cần mở cửa sổ vừa giúp phòng có nhiều ánh sáng đem lại tác dụng sát khuẩn, vừa tăng cường tổng hợp vitamin D. Nếu không mở được cửa sổ, có thể sử dụng các loại quạt thông gió nhằm tăng cường lưu thông không khí trong nhà. Thường xuyên vệ sinh nơi ở bằng cách lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng chất diệt khuẩn.

Trong bối cảnh dịch bệnh, chỉ nên khám thai theo lịch hẹn của thấy thuốc, trừ khi có những dấu hiệu bất thường xảy ra. Lưu ý chỉ siêu âm khi thật cần thiết, vì khi siêu âm có thể lây nhiễm virus nếu đầu dò siêu âm không được khử khuẩn.

Khi đến khám hoặc ở bất cứ đâu, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay ngay sau khi tiếp xúc với các đồ vật như tay nắm cửa, thiết bị vệ sinh, tay vịn cầu thang… tránh đến cơ sở y tế vào giờ cao điểm nhằm đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh.

Khi thấy có những dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng, ra máu, ra nước ở cửa mình, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn, không thấy cử động thai (thai máy, thai đạp) trong 6 giờ liền hoặc quá ngày dự kiến sinh mà không thấy chuyển dạ… cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế có chức năng chăm sóc thai sản. Khi đi, cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân...

Thúy Nga

BẢN DESKTOP