Y học và đời sống

Dinh dưỡng cho người suy thận mạn chưa lọc máu ngoài thận

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn nhằm hạn chế tăng ure máu, làm chậm tiến triển của quá trình suy thận còn được gọi là chế độ ăn thấp protein (low protein diet), giàu năng lượng.

Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận mạn tính không hồi phục theo thời gian nhiều tháng, nhiều năm do tổn thương không hồi phục về số lượng và chức năng của các đơn vị thận. Suy thận mạn tương ứng với bệnh nhân giai đoạn 3 – 5. Tiểu đạm (abumin) càng nhiều thì tốc độ suy thận càng nhanh.

Người bị suy thận mạn chưa lọc máu ngoài thận nếu có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian phải chạy thận, hạn chế những biến chứng và làm chậm quá trình diễn tiến dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối, nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Giảm đạm, giảm muối, cân bằng nước, điện giải

ThS.BS Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, nguyên tắc dinh dưỡng trong bệnh suy thận mạn chưa lọc máu ngoài thận cần đảm bảo giảm đạm, giảm muối, cân bằng nước, điện giải.

Cụ thể: Giảm đạm: 0.6-0.7g/kg cân nặng/ngày. Trong đó tỷ lệ đạm động vật/tổng số lượng đạm >50%. Đảm bảo đủ năng lượng: 30-35Kcal/kg cân nặng/ngày. Chất béo: 20-30% tổng năng lượng.

Đảm bảo cân bằng nước, điện giải: Lượng nước uống trong ngày bằng lượng nước tiểu + lượng dịch mất bất thường (sốt, nôn, tiêu chảy...) + 300-500ml tùy theo mùa. Lượng nước uống trong ngày bao gồm tính cả lượng dịch truyền, lượng nước uống thuốc, uống canh và uống sữa.

Nếu phù nhiều thì người suy thận mạn cần bỏ muối hoàn toàn.

Nếu phù nhiều thì người suy thận mạn cần bỏ muối hoàn toàn.

Giảm muối: Nếu phù nhiều thì ăn nhạt hoàn toàn (bỏ hoàn toàn muối, bột canh, nước mắm, hạt nêm và mỳ chính). Đối với trường hợp phù nhẹ hoặc không phù, lượng muối bổ sung: 2-3g muối/ngày (hoặc thay thế 2-3 thìa 5ml nước mắm). Điều chỉnh lượng muối khác theo điện giải đồ.

Khi kali máu 5mmol/lít thì hạn chế kali khẩu phần <1.000mg kali/ngày. Trường hợp tiểu ít và vô niệu thì nên bỏ hẳn rau quả. Ngoài ra, lượng vitamin và muối khoáng cũng cần đảm bảo, chú ý vitamin nhóm B, axit folic, vitamin A, C, E và sắt.

Hạn chế rau nhiều đạm

ThS.BS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, tại Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ đã xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lí cho người bệnh mắc bệnh suy thận mạn chưa lọc máu. Theo đó:

- Các thực phẩm nên dùng là: các loại thịt nạc, cá nạc, sữa Nepro, tôm, cua...; các loại dầu thực vật như: dầu đậu nành, dầu oliu, dầu vừng, dầu lạc...; các loại rau ít đạm như rau họ cải, bầu, bí, mướp...; các loại quả ngọt như táo tây, xoài chín, thanh long, nho ngọt...; miến, mỳ, ngô, khoai, sắn...

- Các loại thực phẩm không nên dùng: các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như: các loại thịt hộp, cá hộp, chả, pate, xúc xích, dưa muối, cà muối...; các loại lá, rễ cây, thuốc gây quá tải cho thận; mỳ chính.

Người bị suy thận mạn không nên ăn cà muối.

Người bị suy thận mạn không nên ăn cà muối.

- Các loại thực phẩm hạn chế dùng: đậu đỗ, sữa đậu nành; mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ, dầu macgarin, bơ; gạo chỉ nên ăn 1 - 1.5 lạng (2 lưng - 2 miệng bát cơm con); các loại rau nhiều đạm như rau muống, rau ngót, rau rền, giá đỗ, đậu quả; các loại quả như cam chua, xoài chua. Khi kali máu cao thì hạn chế tối đa các thực phẩm giàu kali như các loại quả khô, sầu riêng, mít dai, chuối, đậu tương, đậu xanh, rau khoai lang...

Bên cạnh đó các bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh nên thay đổi món ăn cho hợp khẩu vị. Nên có các bữa ăn bổ sung giữa buổi chủ yếu là cung cấp năng lượng như chè khoai, khoai chấm đường...

Người bệnh suy thận mạn chưa lọc máu có thể tham khảo thực đơn cho một ngày dưới đây:

- Gạo tẻ: 100g (2 nửa bát con cơm).

- Miến dong: 130g.

- Khoai củ: 160g (1 củ trung bình).

- Đường kính: 15g (3 thìa gạt, thìa 5ml).

- Bột sắn dây: 10g (1 thìa đầy. thìa 5ml).

- Thịt nạc + cá: 110-130g.

- Sữa Nepro 1: 150ml (pha theo hướng dẫn).

- Rau xanh: 250-300g.

- Quả chín: 150-200g.

- Dầu ăn: 25-30ml (5-6 thìa 5ml).

- Muối: 2-3g/ngày hoặc thay thế bằng 2-3 thìa 5ml nước mắm.

Với bệnh nhân suy thận, hầu hết không bắt buộc phải cấm tuyệt đối bất kỳ loại thức ăn nào. Tuy nhiên, chỉ nên dùng với số lượng vừa phải và khẩu phần ăn trung bình hằng ngày phải đầy đủ đạm, năng lượng, vitamin và khoáng chất. Cần chú ý hạn chế các thức ăn chứa nhiều kali và phốt pho.
Mai Loan

BẢN DESKTOP