Dinh dưỡng

Dinh dưỡng cho người bệnh xơ cột bên teo cơ tránh suy kiệt

  • Tác giả : ThS Dinh dưỡng Đào Thị Thu Hoài
Dinh dưỡng đặc biệt quan trọng với người bệnh bệnh xơ cột bên teo cơ. Khi người bệnh bị suy dinh dưỡng, bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn, làm tăng nguy cơ biến chứng như suy hô hấp do liệt cơ hô hấp dẫn đến tăng tỉ lệ tử vong.

Teo dần các cơ và suy hô hấp

Bệnh xơ cột bên teo cơ Amyotrophic Lateral Sclerosis (ALS) còn gọi là bệnh Lou Gehrig, là một rối loạn thoái hóa thần kinh tiến triển, đặc trưng bởi sự mất dần các tế bào thần kinh vận động điều khiển cơ bắp, dẫn đến teo dần tất cả các cơ xương, bao gồm cả cơ hô hấp.

Người bệnh mắc bệnh xơ cột bên teo cơ tiến triển dẫn đến suy yếu các cơ hô hấp, nhai nuốt…dễ dẫn đến hít sặc, viêm phổi. Sự yếu các cơ liên quan đến quá trình nhai, nuốt dẫn đến nhai kém, yếu cơ lưỡi làm giảm khả năng đẩy thức ăn của lưỡi.

Yếu cơ hầu, họng dễ dẫn đến trào ngược thức ăn vào mũi. Sự thay đổi nhu động hầu họng khi nuốt dẫn đến nguy cơ hít sặc cao trong khi nuốt do nắp thanh quản chưa đóng hoàn toàn.

Dinh dưỡng đặc biệt quan trọng với người bệnh ALS. Khi người bệnh bị suy dinh dưỡng, bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn, làm tăng nguy cơ biến chứng như suy hô hấp do liệt cơ hô hấp dẫn đến tăng tỉ lệ tử vong.

Người bệnh bị xơ cột bên teo cơ thường gặp khó khăn khi cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể như: Chán ăn, khó khăn khi nhai, nuốt, mệt mỏi, khô miệng…dẫn đến mất nước, giảm cân.

Dinh dưỡng cho người bệnh xơ cột bên teo cơ tránh suy kiệt - Ảnh minh họa

Dinh dưỡng cho người bệnh xơ cột bên teo cơ tránh suy kiệt - Ảnh minh họa

Dinh dưỡng tăng cường dinh dưỡng chống giảm cân, tăng miễn dịch

Dinh dưỡng tốt góp phần ngăn ngừa giảm cân, đáp ứng nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, đồng thời tăng cường khả năng miễn dịch cho người bệnh xơ cột bên teo cơ.

Nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng: Bệnh nhân mắc bệnh xơ cột bên teo cơ nên duy trì cân nặng nên có trong khoảng BMI từ 18,5 - 23kg/m2

Tùy tình trạng bệnh, người bệnh có thể ăn qua đường miệng hoặc khi bệnh tiến triển nặng khó khăn khi nhai, nuốt có thể nuôi ăn qua ống thông dạ dày hoặc mở thông dạ dày.

Nhu cầu dinh dưỡng:

Người bệnh có BMI từ 18,5 đến dưới 23: Nhu cầu 25 - 30 kcal/ kg cân nặng/ ngày.

Người bệnh có BMI <18,5: Nhu cầu 35 - 40 kcal/ kg cân nặng/ngày

Người bệnh có BMI > 23: Nhu cầu 20 - 30 kcal/kg cân nặng/ ngày

Nhu cầu chất đạm, chất bột đường, chất béo thay đổi tùy tình trạng người bệnh có hay không các bệnh kèm theo khác (Đái tháo đường, suy thận…)

Gợi ý lựa chọn thực phẩm

Gợi ý nhóm thực phẩm cho người bệnh - Ảnh BSCC

Gợi ý nhóm thực phẩm cho người bệnh - Ảnh BSCC

​​​​​Một số lưu ý

Nếu chán ăn, ăn được ít: Chia nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ năng lượng

Chế biến món ăn dưới dạng mềm, nhừ, dễ nhai, nuốt như: Cháo, súp, các món ninh, hầm. Khi chế biến có thể dùng thêm chất tạo đặc để dễ nuốt.

Người bệnh bệnh xơ cột bên teo cơ bị chứng khó nuốt mức độ nhẹ, có thể ăn uống được đường miệng thì nên chế biến thức ăn mềm, ninh nấu hấp nhừ để dễ nuốt và tránh hít sặc.

Có thể cho thêm chất tạo đặc để tạo điều kiện cho việc nhai nuốt dễ dàng hơn, giảm nguy cơ sặc thức ăn lỏng.

ThS Dinh dưỡng Đào Thị Thu Hoài

(Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai)

ThS Dinh dưỡng Đào Thị Thu Hoài

BẢN DESKTOP