Dữ liệu y khoa

Điều trị tăng huyết áp ngừa các biến chứng nguy hiểm

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Ngày nay, điều trị bệnh tăng huyết áp (THA) không còn là câu hỏi “có điều trị không” mà là “nên điều trị cho ai và điều trị như thế nào”? Dùng thuốc hoặc không dùng thuốc đều rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Điều trị bệnh THA sẽ tránh được các biến chứng tim mạch nguy hiểm: đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim...; Tránh được các biến chứng khác do bệnh huyết áp gây ra: Tai biến mạch máu não, suy thận và mờ mắt; Tăng tuổi thọ; Tăng chất lượng cuộc sống; Giảm chi phí điều trị vì nếu người bệnh không điều trị sẽ xảy ra tai biến thì việc chữa trị các tai biến này sẽ tốn kém hơn rất nhiều cho gia đình và xã hội.

Biện pháp điều trị không dùng thuốc

Bỏ hút thuốc lá: Là biện pháp mạnh mẽ nhất để đề phòng các bệnh tim mạch và ngoài tim mạch. Thuốc lá làm giảm tác dụng của một số thuốc chống tăng huyết áp.

Uống rượu vừa phải: Không nên uống quá 20-30g ethanol/ngày đối với nam giới và 10 – 20g/ngày đối với nữ giới.

Chế độ ăn: Bệnh nhân nên tránh ăn mặn, tránh dùng các thực phẩm ướp muối đặc biệt là thức ăn chế biến sẵn, nên dùng các thức ăn có chứa nhiều kali. Nên ăn nhiều hoa quả, nhiều cá, giảm chất béo và các thức ăn có chứa nhiều cholesterol.

Giảm cân và tập thể dục: Nên thường xuyên tập thể dục ở mức vừa phải như đi bộ, chạy bộ, hoặc bơi lội trong 30 – 45 phút, 3 – 4 lần mỗi tuần. Mức độ tập luyện phải tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Ngay cả tập thể dục nhẹ cũng làm giảm huyết áp tâm thu 4 – 8mmHg, tuy vậy tập vận động đẳng trương (gây co cơ kéo dài) như nâng tạ có thể gây tăng áp và cần tránh.

Tránh stress và làm việc quá sức: Nếu bị THA nhẹ, biện pháp thay đổi lối sống trên có thể đủ để hạ huyết áp xuống mức bình thường mà chưa cần dùng đến thuốc hoặc chỉ cần dùng thuốc với liều thấp.

Khi nào cần dùng thuốc

Sau khi thực hiện biện pháp ăn kiêng, luyện tập và các biện pháp điều trị không cần thuốc mà huyết áp vẫn không giảm, lúc đó cần dùng thuốc để kiểm soát huyết áp. Nên bắt đầu điều trị từ từ và tăng liều dần, đặc biệt với người cao tuổi để có thể đạt chỉ số huyết áp đích sau vài tuần. Thầy thuốc phải lựa chọn thuốc phù hợp nhất cho từng bệnh nhân Nên bắt đầu điều trị với liều thấp của một thuốc đơn độc hoặc phối hợp liều thấp của hai thuốc.

Dùng thuốc hạ áp kéo dài có hại không?

Nhìn chung là không có hại gì, tuy nhiên có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bị tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế sự lựa chọn thuốc như thế nào bệnh nhân cần được khám sức khỏe toàn diện và bác sĩ cần có chỉ định đúng.

Thuốc lợi tiểu: Hạ kali máu, hạ natri máu, tăng axit uric máu, tăng đường máu, tăng lipit máu, đôi khi nhược dương.

Thuốc chẹn beta giao cảm: Co thắt phế quản, suy nhược và giảm khả năng gắng sức, ác mộng và rối loạn giấc ngủ, nhược dương, suy tim nặng, rối loạn dẫn truyền ở tim, tăng nặng triệu chứng của một số bệnh mạch máu ngoại biên.

Thuốc ức chế men chuyển: Hạ áp liều đầu, ho khan, tăng kali máu.

Thuốc đối kháng angiotensin: Tăng kali máu

Thuốc đối kháng canxi: Bừng mặt, ù tai, nhức đầu, phù cổ chân, đi tiểu đêm, phù đại lợi răng.

Thuốc chẹn alpha: Hạ huyết áp ở tư thế đứng, nhức đầu, mệt mỏi.

Các thuốc khác: Methyldopa (buồn ngủ, trầm cảm, bất lực,viêm gan, huyết tán, sốt do thuốc), Hydralaxinne (nhức đầu, đỏ phừng mặt, đánh trống ngực...).

Bác sĩ thường phối hợp nhiều thuốc để điều trị huyết áp cho bệnh nhân. Khi dùng thuốc phối hợp, các thuốc Đông dược dùng với liều thấp nên khả năng bị tác dụng phụ ít hơn. Nên dùng các thuốc có tác dụng kéo dài, do vậy hàng ngày bạn phải uống ít lần hơn, giúp tránh quên uống thuốc và giảm thiểu sự biến thiên của huyết áp. Vì vậy, thuốc có khả năng bảo vệ bạn tốt hơn đối với các biến chứng tim mạch cũng như sự tổn thương của các cơ quan đích.

Điều trị THA cần liên tục, lâu dài nên cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc, bệnh nhân và gia đình trong quá trình điều trị. Bệnh THA cần điều trị nhiều năm, có thể suốt đời do đó người bệnh cần hiểu về bệnh, tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn. Số lượng loại thuốc, cách sử dụng: cần theo quy định chặt chẽ của bác sĩ, không được tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi thuốc. Mỗi khi cần thay đổi hay có triệu chứng khác thường trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể. Phải điều trị các yếu tố nguy cơ phối hợp như rối loạn lipit máu, đái tháo đường...

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội)

Thúy Nga

BẢN DESKTOP