Y học và đời sống

Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng đầu đốt sóng cao tần RF

Chỉ trong ngày, bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch đã trở lại bình thường với phương pháp điều trị mới không chỉ an toàn, hiệu quả cao mà còn rất nhanh chóng.

BS Nguyễn Khắc Hoàng, Viện Tim mạch, Bệnh viện TƯQĐ 108 đang thực hiện đốt suy tĩnh mạch bằng RF cho bệnh nhân.

Mạch giãn như con đỉa, tê bì chân

Ông Nguyễn Văn Hạnh (Nghệ An) vào viện trong tình trạng bị suy giãn tĩnh mạch chi phải to. Ông cho hay, trước đây ông làm công việc phải đứng 5-6 tiếng mỗi ngày, chân lúc nào cũng cảm thấy nặng, mệt, có tình trạng mạch phía sau bắp chân bị phình ra, tụ máu đen.

Tuy nhiên do chủ quan nên ông không thăm khám. Càng để lâu, vết phình này càng to, thậm chí ngoằn ngèo như con đỉa. Khi đi khám bác sĩ chỉ định điều trị và ông lựa chọn đốt bằng sóng cao tần. Chỉ sau 2 ngày ông ra viện với trình trạng, các vết phình không còn, có sẹo bé như móng tay, chân hết tức, bì, khó chịu.

Theo BS Ngô Tuấn Anh, Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý rất phổ biến trong người dân, nhất là những người làm văn phòng thường hay ngồi nhiều, người phải đứng nhiều…

Bình thường, mỗi tĩnh mạch sẽ lưu thông máu theo một chiều nhất định là đi từ chân về ngược lên tim. Để đi một chiều, tĩnh mạch sẽ có van ngăn máu chảy ngược lại. Nhưng vì do nhiều lý do như đứng lâu hay các bệnh lý, van tĩnh mạch có thể bị hở nên máu đi ngược chiều lại, ứ ở chân gây tức mỏi, bì, khó chịu. Lâu dài, tĩnh mạch này giãn ra có thể dẫn đến phù, loét da theo chiều hướng mạnh dần.

Với các trường hợp bị nhẹ, người bệnh chỉ cần điều trị bằng các cách như uống thuốc, mang tất áp lực. Chỉ khi mạch giãn nhiều, gây triệu chứng, hay một số người không thể đeo tất cả ngày thì can thiệp đốt sẽ tốt.

Cũng theo vị chuyên gia này, nếu như trước đây chỉ có phương pháp kinh điển là mổ thì nay Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 còn áp dụng thêm phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng sóng cao tần RF. Đây là một phương pháp mới, đã được đưa vào ứng dụng tại nước ta, tuy nhiên do nhiều yếu tố thì công nghệ mới được dùng tại một số đơn vị y tế nhất định.

Luồn đầu đốt vào tĩnh mạch gây xơ

Phân tích về phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng sóng cao tần RF, BS Ngô Anh Tuấn, Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, sóng cao tần RF là sử dụng năng lượng sóng có tần số Radio (Radio frequency).

Tùy vào đặc điểm tổn thương từng vùng tĩnh mạch, các bước sóng sẽ được thiết lập để bác sĩ đưa đầu đốt luồn vào trong tĩnh mạch làm cho xơ mạch tại điểm tổn thương. Khi mạch tổn thương bị xơ, đồng nghĩa máu không lưu thông nữa, dẫn đến hết bị đọng lại gây giãn.

Ưu điểm của phương pháp này là can thiệp nhẹ nhàng, không phải mổ. Thời gian bệnh nhân vào viện ngắn ngày, không để lại sẹo gây mất thẩm mỹ. Ngoài ra, nếu so sánh phương pháp phẫu thuật kinh điển và đốt bằng sóng cao tần RF thì cả hai phương pháp này đều mang lại hiệu quả như nhau.

“Các trường hợp đã chỉ định cần can thiệp điều trị thông qua mổ thì nay có thể chuyển sang đốt. Tuy nhiên, các trường hợp suy giãn nhẹ thì vẫn nên hướng đến các cách khác như uống thuốc, mang tất áp lực. Hạn chế hiện của phương pháp này cho đến thời điểm này là chi phí tương đối cao do mỗi bệnh nhân cần sử dụng một đầu đốt riêng biệt”, BS Ngô Tuấn Anh cho hay.

Phạm Hằng

BẢN DESKTOP