Dữ liệu y khoa

Điều trị chấn thương sọ não nặng nhờ đặt máy đo áp lực nội sọ

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Chấn thương sọ não nặng được điều trị bằng phẫu thuật, hồi sức hoặc phối hợp. Kết quả hồi sức và điều trị bệnh nhân chấn thương sọ não nặng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, tình trạng bệnh nhân, tổn thương tại não, tổn thương phối hợp, thời điểm điều trị.

30 bệnh nhân được tiến hành nghiên cứu đo áp lực nội sọ

Điều trị chấn thương sọ não nặng rất phức tạp, bệnh nhân được điều trị trong phòng hồi sức được trang bị đầy đủ các trang thiết bị chuyên dụng cho hồi sức thần kinh như đo áp lực nội sọ, đo áp lực tưới máu não, siêu âm Doppler, đo bão hòa oxy trong máu tĩnh mạch cảnh. Tỷ lệ chấn thương sọ não nặng tử vong dao động từ 20-100% tùy thuộc tình trạng bệnh nhân, áp lực nội sọ, tổn thương trên cắt lớp vi tính. Mới đây bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã bước đầu ứng dụng phương pháp đo áp lực nội sọ vào theo dõi điều trị bệnh nhân chấn thương sọ não nặng.

BS Trần Công Tiến cho biết, nghiên cứu can thiệp không đối chứng dựa trên 30 bệnh nhân chấn thương sọ não nặng được điều trị tại BV đa khoa tỉnh Bắc Ninh, tất cả các bệnh nhân được khám lâm sàng, chụp cắt lớp vi tính, an thần thở máy, đặt catheter vào nhu mô não đo áp lực nội sọ, hồi sức sọ não và theo các đích. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật dựa vào tri giác, hình ảnh tổn thương trên chụp cắt lớp vi tính, áp lực sọ não. Nếu áp lực nội sọ dưới 20mmHg hoặc kiểm soát được thì bệnh nhân được hồi sức tại phòng hồi sức ngoại khoa. Nếu áp lực nội sọ tăng cao trên 20mmHg, không thể kiểm soát được bằng điều trị nội khoa thì bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật mở nắp sọ giảm áp hoặc phẫu thuật lấy máu tụ. Các bệnh nhân vào viện chủ yếu do chấn thương từ giao thông.

Trong số 30 bệnh nhân nghiên cứu đều được đặt catheter vào nhu mô não đo áp lực nội sọ. Đo áp lực nội sọ bằng cách khoan sọ, vít chặt chốt vào xương sọ và đưa catheter vào trong nhu mô não. Có một trường hợp đặt catheter đo áp lực nội sọ sau khi bệnh nhân được phẫu thuật lấy máu tụ dưới màng cứng và giải áp não, não phù nhiều. Tất cả các trường hợp không có biến chứng rò dịch não tủy, viêm màng não hay tuột chốt cố định vào xương. Có một trường hợp máu tụ dưới màng cứng, tuy nhiên máu tụ nhỏ, điều trị nội khoa, không phải phẫu thuật.

Tất cả 30 bệnh nhân trong nghiên cứu đều được đặt dụng cụ đo áp lực nội sọ. Khi áp lực trên 20mmHg chụp lại cắt lớp vi tính, điều chỉnh chế độ thở máy, chống phù, hạ sốt nếu có, điều chỉnh rối loạn điện giải, kiểm soát đường máu, nuôi dưỡng. Khi mọi phương pháp điều trị, hồi sức không kiểm soát được áp lực nội sọ sẽ chỉ định mổ giải áp não. BS. Trần Công Tiến cho biết, 1 bệnh nhân được chỉ định mở nắp sọ giảm áp vì tăng áp lực nội sọ trên 20mmHg do dập não đa ổ 2 bán cầu và xuất huyết dưới nhện. Chỉ định phẫu thuật dựa vào lâm sàng và hình ảnh cắt lớp vi tính 1 bệnh nhân, 4 trường hợp khác được chỉ định mổ dựa vào áp lực nội sọ.

Cứu sống được các ca chấn thương nặng

Nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân hồi sức nội khoa chiếm 83,3%, phẫu thuật 5 bệnh nhân, tỷ lệ bệnh nhân phải phẫu thuật thấp hơn so với các nghiên cứu khác. Những bệnh nhân có chỉ định đo áp lực nội sọ thường có nguy cơ chèn ép, tăng áp lực trong sọ, phù não cao. Khi điều trị nội khoa áp lực nội sọ đáp ứng thì bệnh nhân không phải phẫu thuật để giảm áp. Kết quả điều trị 30 bệnh nhân cho thấy, tỷ lệ tử vong là 13,3%, thấp hơn so với các nghiên cứu trước đây (tỷ lệ tử vong trong các nghiên cứu trước đây thường trên 20%, có những nghiên cứu tỷ lệ tử vong tới 40-80%). Theo các bác sĩ, nguyên nhân tử vong trong những trường hợp chấn thương sọ não nặng thường do không kiểm soát được áp lực nội sọ, thiếu máu lan rộng, rối loạn thể dịch nặng. Với nghiên cứu này, trong các trường hợp tử vong có 3 trường hợp áp lực nội sọ trong quá trình điều trị vượt trên 40mmHg, một trường hợp áp lực nội sọ tăng rất cao, trên 70mmHg. Khi áp lực nội sọ tăng trên 60mmHg hầu hết bệnh nhân đều tử vong vì không kiểm soát được. Ưu điểm khi áp dụng kỹ thuật này, các trường hợp phẫu thuật đều sống, trong đó có 4 trường hợp áp lực nội sọ tăng cao, điều trị nội khoa không cải thiện, chụp cắt lớp vi tính sọ não thấy máy tụ và dập não tăng lên, bệnh nhân đã được phẫu thuật giải ép và lấy máu tụ kịp thời.

Trước kia, khi chưa có phương pháp đo áp lực nội sọ, tiên lượng bệnh nhân chấn thương sọ não chủ yếu dựa vào các yếu tố lâm sàng, đặc điểm hình ảnh cắt lớp vi tính. Khi có các phương tiện đo và theo dõi áp lực nội sọ liên tục, các bác sĩ sẽ đánh giá được sự tăng áp lực nội sọ sớm. Ngay khi chưa có sự thay đổi về lâm sàng hay rối loạn điện giải, tổn thương trên chụp cắt lớp vi tính đã đánh giá được tình trạng bệnh. Áp lực nội sọ càng cao tỷ lệ tử vong và di chứng càng cao. Vì vậy đo áp lực nội sọ là yếu tố quan trọng trong điều trị, phẫu thuật lấy máu tụ, giảm áp là phương pháp điều trị hiệu quả, 100% bệnh nhân được phẫu thuật đều sống.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP