KINH TẾ

Điều hành giá xăng dầu: Tính giảm thuế, bỏ quên phí?

  • Tác giả : Hồng Nhung
Hiện xăng dầu đang chịu nhiều khoản thuế, phí. Trong đó, nếu muốn giảm thuế thì cần thẩm quyền Quốc hội, nhưng giảm phí thì chỉ cần thẩm quyền của Chính phủ.

Dư địa giảm thuế còn ít

Từ 15h chiều ngày 21/6, giá xăng trong nước tiếp tục tăng lần thứ 7 liên tiếp, xô đổ kỷ lục đã lập trước đó, đưa mặt hàng này leo lên đỉnh mới.

Cụ thể, trong đợt điều chỉnh lần này, xăng E5 RON 92 tăng 190đ/lít; xăng RON 95 tăng 500đ/lít. Giá dầu diesel tăng mạnh nhất, ở mức 990đ/lít, dầu hỏa 950đ/lít.

Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 tối đa là 31.300đ/lít; RON 95 là 32.870đ/lít; dầu diesel là 30.010đ/lít., dầu hỏa là 28.780đ/lít.

Xăng dầu là đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất, nên giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo nhiều mặt hàng tiêu dùng khác tăng giá, gây áp lực lên lạm phát.

Lưu ý rằng, theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm, chỉ số CPI đã tăng trên 2%, trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát của Quốc hội trong năm 2022 không vượt quá 4%, do đó, dư địa cho kiểm soát lạm phát từ giờ đến cuối năm còn rất hạn hẹp.

Do đó, kìm hãm giá xăng để tác động đến chỉ số CPI nhằm kiềm chế lạm phát là mục tiêu bức thiết và khó khăn hiện nay.

Khó khăn bởi dư địa cho việc kìm hãm giá xăng hiện nay còn rất ít. Tại kỳ họp Thường vụ Quốc hội hồi tháng 3/2022, trong phạm vi khả năng của mình, Thường vụ Quốc hội đã thông qua giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu kể từ ngày 1/4/2022.

Quyết định này trong thời gian ngắn đã hạ nhiệt được giá xăng dầu. Tuy nhiên, việc giảm thuế này cũng chỉ như muối bỏ bể khi giá xăng dầu trên thế giới tăng phi mã. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng E5 trên thị trường thế giới đã tăng từ 91,17USD/thùng lên 147,2USD/thùng (thời điểm ngày 8/6/2022), tăng hơn 55%; xăng RON 92 tăng từ 93,14USD/thùng lên 153,74USD/tấn, tăng gần 57%. Dầu hỏa, mazut, diesel cũng tăng tương tự.

Do đó, giới chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu để giảm thêm các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường… để kìm hãm giá xăng.


TS Trần Hoàng Ngân cho rằng khó giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.

Hiện nay, xăng dầu đang chịu 4 loại thuế gồm: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Trên thế giới, ngoài những nước có trữ lượng dầu mỏ lớn, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu chiếm 50 - 60%.

Ở Việt Nam, sau khi đã có giảm thuế thì tỷ trọng thuế đối với xăng chiếm từ 29 - 31%, với dầu diesel khoảng 13,3% và không thu phí, lệ phí với xăng dầu.

Theo TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, việc giảm thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không thể sửa ngay được, nên khả dĩ nhất trong lúc này là tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, đồng thời giảm thuế nhập khẩu.

Còn Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng đề xuất Bộ Tài chính đang dự kiến phương án để báo cáo với Chính phủ và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh theo hướng tiếp tục giảm. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng giảm thuế xăng dầu cần được điều chỉnh ở mức hợp lý bởi giảm thuế để hạ giá xăng có thể dẫn tới thẩm lậu xăng dầu khi giá trong nước đang thấp hơn các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan.

Chưa kể, dư địa giảm thuế hiện nay cũng không còn nhiều, do mức thuế sàn đối với xăng là 1.000đ/lít, dầu diesel là 500đ/lít, các loại dầu khác là 300đ/lít. Giảm thuế nhập khẩu cũng không có nhiều tác dụng nếu giá xăng trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao.

Dấu hỏi phí định mức!

Rõ ràng, khi dư địa giảm thuế không còn nhiều, hơn nữa việc giảm một số loại thuế như thuế bảo vệ môi trường lại nhận được ý kiến trái chiều do lo ngại có thể gây ra tác động về sau.

Trong khi đó, cùng với các loại thuế, xăng dầu cũng đang phải gánh một khoản không nhỏ các loại phí định mức.

Theo Bộ Tài chính, hiện mức chi phí kinh doanh định mức đối với các mặt hàng xăng RON95, E5RON92 lần lượt là 1.050đ/lít và 1.250đ/lít; đối với các mặt hàng dầu diesel 0,05s, dầu hỏa, dầu mazut lần lượt là 1.000đ/lít; 950đ/lít và 561đ/lít. Mức chi phí này theo công văn số 5837 ngày 3/6/2021 của Bộ Tài chính.

Đáng chú ý, mức phí định mức này áp dụng lên giá xăng dầu, tức người dân sẽ phải chịu chi phí này, nhưng đối với các đại lý bán buôn, bán lẻ đây là khoản đảm bảo mức doanh thu cho các đại lý đầu mối.

Điều này giải thích tại sao giá xăng tăng, người dân thắt lưng buộc bụng, nhưng doanh thu của các doanh nghiệp trong nhóm kinh doanh dịch vụ xăng dầu đều tăng mạnh. Lợi nhuận sau thuế của 13 doanh nghiệp xăng dầu tăng gấp 2,5 lần so với năm trước, trong đó có các doanh nghiệp vận tải vật tư xăng dầu...

Trong khi đó, các đại lý đầu mối xăng dầu hiện nay chủ yếu thuộc các ông lớn vốn nhà nước như PVOil, Petrolimex…

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Bên cạnh đó, hiện với 2 nhà máy lọc dầu trong nước, nguồn cung xăng dầu có thể chủ động được, các loại chi phí định mức cũng cần tính toán lại để phù hợp hơn so với trước. Đơn cử như hiện nay 2 nhà máy chủ động được 2/3 nguồn cung từ trong nước, thì các khoản chi phí mua hàng, vận tải, hao hụt phải giảm hơn so với nhập về từ cảng rồi sang chiết vận chuyển đường sá xa xôi. Do đó, nếu có phương án giảm các loại phí này, sẽ giảm được giá xăng dầu.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, mặt hàng xăng dầu thường được định giá bao nhiêu, người tiêu dùng phải trả bấy nhiêu, nhà kinh doanh lại được áp cho lợi nhuận định mức, rồi chi trữ để bình ổn… vô cùng an toàn và khó để nói lỗ. Thế nên, dư địa để tính toán giảm giá xăng cũng nằm ở đây!

Hơn nữa, các khoản phí lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, quỹ bình ổn giá, thẩm quyền giải quyết do Chính phủ quyết định, sẽ không phải đưa ra bàn thảo dông dài như các loại thuế cần thẩm quyền Quốc hội.

Tất nhiên, việc này cũng sẽ đụng chạm tới nguồn thu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Trợ giá xăng dầu

Một đề xuất khác để có thể kìm hãm giá xăng dầu là Chính phủ trợ giá trực tiếp như tại Malaysia.

Hiện giá xăng ở Malaysia chỉ ở vùng13.000đ/lít nhờ được Chính phủ trợ giá 1,65RM (tương đương 0,4USD) cho mỗi lít xăng RON95 và 1,85RM (tương đương 0,45USD) cho mỗi lít dầu diesel. Nếu không được Chính phủ trợ giá, giá xăng dầu của Malaysia sẽ tương đương giá xăng dầu tại Việt Nam nếu Việt Nam không áp các loại thuế. Đồng nghĩa, nếu Chính phủ Việt Nam trợ giá, giá xăng trong nước cũng có thể giảm như tại Malaysia.

Lưu ý, 5 tháng đầu năm nay dầu thô đã đem về cho ngân sách nhà nước 29.400 tỷ đồng, vượt 4,4% dự toán và tăng 91% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá dầu tăng mạnh. Do đó, Chính phủ có thể sử dụng một phần khoản thu từ dầu thô của ngân sách trung ương (dầu thô đóng góp 100% vào ngân sách trung ương) để hỗ trợ trực tiếp (trợ giá) cho người dân.

Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) của các thương nhân đầu mối (đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu; đã bao gồm chi phí phát sinh đặc thù của xăng E5, E10 như: Chi phí khấu hao tài sản của hệ thống phối trộn xăng E5, E10, chi phí hao hụt trong quá trình phối trộn, chi phí vận hành, chi phí giám định cấp chứng chỉ hợp chuẩn, hợp quy, chi phí tài chính, chi phí vận chuyển phát sinh do cung đường vận chuyển hàng hóa thay đổi, chi phí cải tạo cửa hàng chuyển sang kinh doanh xăng E5, E10...).

Hồng Nhung

BẢN DESKTOP