Khoa học & Công nghệ

Điều gì xảy trong 24 tiếng sau khi uống nước tăng lực?

Loại đồ uống này không thực sự có tác dụng ‘tăng lực’ mà ngược lại đe dọa đến sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người bị tổn thương gan…

Điều gì xảy ra sau khi bạn uống nước tăng lực? Nước tăng lực chứa nhiều đường và caffeine, có thể gây nghiện, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như đau đầu, cáu gắt, tăng nhịp tim, ảnh hưởng xấu tới cơ thể.

Nước tăng lực được bán trên thị trường với tác dụng giúp tăng cường hoạt động tinh thần và thể chất. Caffeine là chất kích thích phổ biến nhất trong các loại đồ uống này, bên cạnh các chất như taurine, vitamin… Một số thương hiệu có thêm các chất kích thích thực vật khác như hạt guarana và nhân sâm.

Theo Cục Quản lý Lạm dụng chất gây nghiện và Dịch vụ sức khỏe tâm thần của Mỹ (SAMHSA), lượng caffeine trong một lon hoặc một chai nước tăng lực có thể dao động 80-500 mg. Giống như nước ngọt có ga, nước tăng lực cũng chứa nhiều đường. Một lon 250 ml chứa khoảng 27,5 g đường.

Tình trạng cơ thể trong 24 tiếng sau khi uống nước tăng lực

Theo Medical News Today, sau 10 phút uống nước tăng lực, caffeine đi vào máu, làm tăng nhịp tim và huyết áp.

Khoảng 15-45 phút sau đó, hàm lượng caffeine đã xâm nhập hoàn toàn vào máu, bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo, tập trung hơn. Trong khoảng thời gian này, gan phản ứng với nước tăng lực bằng cách hấp thụ thêm đường vào máu.

Sau một tiếng, các tác dụng của caffeine bắt đầu giảm xuống, tác dụng phụ của đường tăng lên. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, năng lượng giảm.

Cơ thể sẽ mất khoảng 5-6 tiếng để giảm 50% lượng caffeine trong máu, được gọi là chu kỳ bán rã, thậm chí thời lượng này có thể tăng gấp đôi với phụ nữ đang uống thuốc tránh thai. Vì vậy, cơ thể sẽ mất trung bình 12 giờ để loại bỏ hoàn toàn caffeine ra khỏi máu.

Nước tăng lực không hề tốt mà thậm chí còn gây hại tới sức khỏe con người. Ảnh: Livestrong.

Tiến sĩ Stuart Farrimond, nhà nghiên cứu thực phẩm ở Mỹ, cho biết phụ nữ mang thai, tổn thương gan và đang sử dụng một số loại thuốc cũng có thể làm chậm tốc độ loại bỏ caffeine ra khỏi cơ thể. ‘Điều quan trọng là trẻ em và trẻ vị thành niên có thời gian bán rã dài hơn đáng kể, nghĩa là caffeine sẽ tồn tại trong máu lâu hơn và ở mức cao hơn so với người lớn. Đây là lý do đồ uống chứa caffeine có thể gây ra các vấn đề về hành vi và căng thẳng ở trẻ em’, ông Stuart cho biết.

Trong vòng 12-24 tiếng sau khi uống nước tăng lực, bạn có thể gặp phải các triệu chứng do caffeine gây ra như đau đầu, khó chịu và táo bón. Tiến sĩ Stuart giải thích các triệu chứng này có thể kéo dài tới 9 ngày và mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào lượng caffeine được tiêu thụ.

Nước tăng lực gây hại như thế nào?

Theo CNN, Tiến sĩ John Higgins, bác sĩ tim mạch tại Trường Y McGovern thuộc Trung tâm khoa học và sức khỏe, Đại học Texas, cho biết các tác động mà nước tăng lực ảnh hưởng tới tim mạch có thể là do caffeine tương tác với các nguyên liệu khác như taurine. Taurine, axit amin phổ biến, có thể ảnh hưởng đến hàm lượng nước và khoáng chất trong máu. Đồng thời, một lượng nhỏ guarana khi được thêm vào nước uống tăng lực sẽ làm tăng hàm lượng caffeine trong nước.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo mọi người cần thận trọng khi uống nước tăng lực, đặc biệt là trẻ dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, người mẫn cảm hay khó tiêu thụ caffeine, hay những người đang sử dụng thuốc.

Một báo cáo trên tạp chí International Journal of Health Sciences năm 2015 cho thấy tiêu thụ một lượng từ 200g caffeine trở lên sẽ dẫn đến ngộ độc caffeine với các triệu chứng căng thẳng, mất ngủ, kích thích đường tiêu hóa, co giật cơ, bồn chồn…

Nên uống nước tăng lực bao nhiêu mỗi ngày?

Trẻ từ 12-18 tuổi: không nên vượt quá 100 mg caffeine/ngày. Nếu vượt quá sẽ dẫn đến tăng huyết áp ở trẻ nhỏ.

Người lớn: tối đa 400 mg/ngày, tuy nhiên không nên uống nhiều hơn 1 lon/ngày.

Các vận động viên trẻ: Nước tăng lực là đồ uống phổ biến với các vận động viên để tăng thêm năng lượng khi tập luyện. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo họ không nên dùng nước tăng lực trong hoặc sau khi tham gia hoạt động thể chất.

Theo Phương Mai (News.zing.vn)

Từ Khoá

BẢN DESKTOP