Dinh dưỡng

Điều gì xảy ra với cơ thể khi dùng quá nhiều nghệ?

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Mặc dù nghệ được xem là loại gia vị tốt cho sức khỏe nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ khiến cơ thể gây ra những phản ứng phụ nguy hiểm.

Nghệ là một loại gia vị châu Á có nguồn gốc từ cây nghệ Curcuma longa, một phần của họ gừng Zingiberaceae, chứa curcumin, một sắc tố tự nhiên tạo nên màu vàng cho nghệ.

Cả nghệ và curcumin đều được cho là có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều tình trạng viêm, bao gồm viêm xương khớp (OA), dị ứng theo mùa và nhiễm trùng đường hô hấp (phổi). Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nghệ có thể giúp cải thiện các tình trạng sức khỏe như trầm cảm, tăng lipid máu (mỡ trong máu cao) và bệnh Alzheimer.

Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều nghệ lại gây bất lợi...

Nguy cơ thiếu sắt

Tiêu thụ nghệ quá mức có thể ức chế sự hấp thụ sắt. Vì vậy, những người bị thiếu sắt cần lưu ý không nên bổ sung quá nhiều nghệ trong bữa ăn hàng ngày, vì nó có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể.

Gây ra phản ứng dị ứng

Bạn có thể bị dị ứng với một số hợp chất có trong nghệ với biểu hiện phát ban, khó thở. Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra khi uống và tiếp xúc với da.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Gây ra các vấn đề về tiêu hóa

Nghệ được biết đến với tác dụng thúc đẩy sản xuất mật và có thể làm tăng nồng độ axit dạ dày. Theo Ayurveda, quá nhiều nghệ có thể kích thích quá mức ‘ngọn lửa tiêu hóa’, đặc biệt là ở những người đã có Agni (lửa) mạnh. Y học Ayurveda coi tiêu hóa là chìa khóa cho sức khỏe và tuổi thọ và chúng ta cần chăm sóc ngọn lửa tiêu hóa (hay agni) hàng ngày.

Đối với hầu hết mọi người, ăn nghệ có thể hỗ trợ tiêu hóa, đặc biệt giúp phân hủy chất béo. Tuy nhiên, sự gia tăng axit dạ dày do dùng quá nhiều nghệ, có thể gây kích ứng ở hệ tiêu hóa đối với một số cá nhân, đặc biệt là ở những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), trào ngược axit hoặc các tình trạng đường tiêu hóa khác…

Gây sỏi thận

Nghệ có chứa oxalat, là những chất tự nhiên có trong nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Theo y học cổ truyền Ấn Độ, khi tiêu thụ quá nhiều, oxalat có thể liên kết với canxi trong cơ thể, tạo thành tinh thể canxi oxalate (loại sỏi thận phổ biến nhất).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Gây hạ huyết áp

Hợp chất hoạt tính của nghệ là curcumin có thể làm giảm huyết áp. Đối với những người dễ bị huyết áp thấp hoặc những người đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, có thể dẫn đến huyết áp quá thấp.

Không tốt cho phụ nữ mang thai

Với chị em đang mang thai, không nên dùng nghệ như một chất bổ sung. Bởi chất curcumin có trong nghệ sẽ kích thích tử cung hoặc khuyến khích lớp lót tử cung rụng, tăng nguy cơ sảy thai. Nghệ chỉ an toàn với chị em bầu bì khi ăn thức ăn có vị nghệ, tuy nhiên bạn cũng cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng nghệ.

Tăng nguy cơ chảy máu

Nghệ có đặc tính làm loãng máu, ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Những người mắc chứng rối loạn chảy máu (bệnh máu khó đông), nên thận trọng khi sử dụng nghệ và thực phẩm bổ sung nghệ trong chế độ ăn uống hoặc cân nhắc tránh sử dụng chúng.

Những người dùng thuốc hoặc thực phẩm bổ sung có thể làm loãng máu, chẳng hạn như warfarin (Coumadin), aspirin, clopidogrel (Plavix) và bạch quả… nên tránh dùng nghệ.

Tác dụng phụ chảy máu có thể bao gồm dễ bị bầm tím, chảy máu bất thường (chảy máu mũi, chảy máu nướu răng) và có máu trong phân hoặc nước tiểu. Đối với người bị rối loạn chảy máu hoặc đang dùng thuốc có ảnh hưởng đến máu, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu dùng thực phẩm bổ sung nghệ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tổn thương gan khi dùng quá nhiều nghệ

Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất được báo cáo đối với nghệ là tổn thương gan. Trong các nghiên cứu cho thấy, tổn thương gan có thể xảy ra với liều cao curcumin, hoặc từ 250 -1.800 mg mỗi ngày.

Ví dụ về tổn thương gan bao gồm viêm gan, ứ mật và tổn thương tế bào gan. Các triệu chứng phổ biến của tổn thương gan bao gồm vàng da (màu vàng ở lòng trắng mắt và da), đau bụng, buồn nôn và nước tiểu sẫm màu.

Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy ngừng dùng nghệ và đi khám ngay lập tức. Việc ngừng dùng thực phẩm bổ sung nghệ sẽ giúp giải quyết bất kỳ tổn thương gan nào gây ra. Tuy nhiên, nếu tổn thương nghiêm trọng, có thể cần phải điều trị bổ sung.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP