Vấn đề - Sự kiện

Điều gì xảy ra khi 116 DN kinh doanh vàng ở Hà Nội bị kiểm tra?

  • Tác giả : Hải Ninh thực hiện
Các chuyên gia cho rằng, kiểm tra và quản lý thị trường vàng rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ổn định thị trường. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tức thời.

Mới đây, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội thông báo sẽ kiểm tra việc niêm yết giá và nguồn gốc xuất xứ vàng của 116 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn Thủ đô, trong đó có Bảo Minh, Bảo Tín, Huy Thành, Bảo Tín Minh Xuân, Trọng Tín, Đức Trung, Ngọc Lan… Đợt kiểm tra kéo dài từ ngày 15/8 đến 15/10.

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản (BĐS) Toàn Cầu và Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm, đều cho rằng, kiểm tra và quản lý thị trường vàng rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ổn định thị trường. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tức thời.

“Ông lớn” kinh doanh vàng sẽ bị xử lý nghiêm nếu vi phạm

Các chuyên gia có thể cho biết vai trò, ý nghĩa của việc kiểm tra, quản lý thị trường vàng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và duy trì sự ổn định của thị trường?

Luật sư Mai Thảo: Việc thanh tra và quản lý thị trường vàng rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hoạt động này không chỉ giúp ngăn chặn kinh doanh vàng giả và kém chất lượng, mà còn đảm bảo rằng những sản phẩm vàng trên thị trường đều đạt tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Điều đó giúp giữ gìn sự ổn định và minh bạch của thị trường vàng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh doanh và thu hút đầu tư.

Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm

Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm

TS Nguyễn Trí Hiếu: Đây là biện pháp cần thiết để làm trong sạch thị trường vàng. Tuy nhiên, tôi lo ngại tác động của việc này sẽ rộng hơn. Các cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý thị trường… vào kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng ở diện rộng sẽ có tác động, làm thị trường co rút lại.

Thị trường vàng lên cơn sốt vào khoảng tháng 6, sau đó được đưa vào chương trình bình ổn giá. Ngân hàng Nhà nước đưa ra tất cả biện pháp từ đấu thầu vàng, sau đó là bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại lớn.

Tôi thấy việc mua vàng ngày càng trở nên khó khăn, càng siết lại. Siết lại thị trường vàng có tác dụng tốt khi kéo được giá vàng từ mức đỉnh cao xuống như hiện nay. Tuy nhiên, cung - cầu lại không gặp nhau, nhiều người muốn mua vàng, nhưng không mua được, dù ngân hàng bán vàng qua online và phải là khách hàng của ngân hàng mới mua được.

Tất cả mang tính siết lại thị trường vàng chứ không mở rộng ra. Hiện nay, biện pháp thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh vàng đều siết lại. Việc này có tác dụng tốt ổn định thị trường, triệt hạ cơn sốt vàng. Tuy nhiên, thị trường chưa trở lại trạng thái cung - cầu gặp nhau. Càng siết lại, nguồn cung càng hiếm hoi trong khi cầu vẫn cao.

Thưa luật sư Mai Thảo, bà có thể cho biết về những chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vàng hiện nay?

Luật sư Mai Thảo: Đối với hành vi buôn lậu vàng, pháp luật quy định mức phạt từ 40 triệu đến 80 triệu đồng, cùng việc tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm, buộc tiêu hủy hàng hóa nhập lậu. Hành vi buôn lậu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án tù lên đến 15 năm, phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng.

Đối với kinh doanh vàng giả, theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức phạt từ 30 triệu đến 60 triệu đồng, tịch thu tang vật và tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Hành vi gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, mức án tù lên đến 15 năm và phạt tiền đến 50 triệu đồng.

Giải pháp hữu hiệu quản lý thị trường vàng

Trong thực tiễn, quản lý thị trường vàng đang có những bất cập gì, thưa các chuyên gia?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi đặt câu hỏi: Chúng ta sẽ duy trì biện pháp này trong bao lâu? Mục tiêu cuối cùng là thị trường vàng cần có sự ổn định. Chúng ta không mong muốn, hiện tượng “vàng hóa” trở lại nền kinh tế, nhưng làm sao quân bình được giữa đáp ứng nhu cầu mua vàng, đầu tư, tích lũy vàng và những cân đối vĩ mô khác.

Nếu cơn sốt vàng trở lại, nó sẽ không những ảnh hưởng tỷ giá lạm phát, mà còn lấy đi nguồn tài chính cần có để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Làm sao để có thể hài hòa giữa nhu cầu về vàng của người dân và cân đối vĩ mô. Vấn đề đặt ra là tất cả biện pháp hiện tại để triệt hạ cơn sốt vàng đã có hiệu quả nhưng vấn đề nên kéo dài bao lâu.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu

Luật sư Mai Thảo: Một trong những vấn đề lớn nhất là khó khăn kiểm soát vàng lậu. Vàng lậu thường được vận chuyển qua nhiều kênh phân phối khác nhau, khiến quá trình kiểm tra, phát hiện trở nên khó khăn. Các cơ quan chức năng thường thiếu nguồn lực và trang thiết bị cần thiết để xử lý các vi phạm này.

Gian lận và thiếu minh bạch trong kinh doanh vàng cũng là vấn đề nghiêm trọng. Vẫn còn tình trạng vàng giả và kém chất lượng xuất hiện trên thị trường, ảnh hưởng lớn quyền lợi của người tiêu dùng. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc và chất lượng vàng, làm khó khăn khi kiểm tra, xác minh.

Theo các chuyên gia, giải pháp nào để khắc phục những bất cập này?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng phải được sửa đổi. Trong đó, hai điều trong Nghị định 24 cần thiết phải sửa đổi gồm: Thương hiệu vàng quốc gia của SJC nên bãi bỏ để tất cả thương hiệu vàng đều có sự công bằng; đồng thời, hãy để một số nhà kinh doanh được nhập khẩu vàng thay vì chỉ có Ngân hàng Nhà nước độc quyền.

Để thị trường vàng cạnh tranh trong sự ổn định, chúng ta không tạo điều kiện để trở thành cơn sốt vàng nhưng phải biết rằng, nhu cầu về vàng của người dân vẫn còn đó. Vì thế, về lâu dài, cần phải có biện pháp theo kinh tế thị trường.

Những biện pháp hiện tại mang tính giới hạn, kiềm chế để tạo ra sự ổn định trên thị trường vàng nhưng chỉ mang tính tức thời, đối phó. Thị trường vàng phải được hoạt động theo cách tự do, minh bạch theo nguyên tắc thị trường, dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Luật sư Mai Thảo: Để giải quyết những vấn đề này, cần thực hiện một số giải pháp quan trọng. Trước hết, tăng cường nguồn lực và trang thiết bị cho các cơ quan chức năng. Đầu tư vào công nghệ tiên tiến như thiết bị kiểm tra chất lượng và theo dõi chuỗi cung ứng, giúp nâng cao hiệu quả quản lý.

Cần đồng bộ hóa chính sách và cải cách thuế bằng cách điều chỉnh thuế suất hoặc áp dụng ưu đãi thuế để khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường chính thức. Đảm bảo quy định thuế được cập nhật kịp thời cũng rất quan trọng để phản ánh sự thay đổi trong thị trường.

Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức và tuyên truyền pháp luật rất cần thiết. Tăng cường tuyên truyền về quy định pháp luật liên quan vàng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao nhận thức về việc nhận diện vàng giả và hành vi gian lận. Cuối cùng, tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước sẽ nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát.

Tôi hy vọng rằng, những giải pháp đề xuất sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và duy trì sự ổn định của thị trường vàng.

Cảm ơn các chuyên gia.

Theo Cục Quản lý Thị trường Hà Nội, mục đích của kế hoạch kiểm tra chuyên đề là phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong kinh doanh vàng, như kinh doanh vàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, vi phạm về giá…, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ổn định thị trường vàng.

Nội dung kiểm tra tập trung những vấn đề như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, việc niêm yết giá, chấp hành quy định về sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, quy định về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa và các quy định về thương mại điện tử.

Tháng 5/2024, Ngân hàng Nhà nước công bố kế hoạch thanh tra 4 doanh nghiệp gồm SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu cùng hai ngân hàng TPBank và EximBank trong 45 ngày. Nội dung thanh tra về chấp hành pháp luật kinh doanh vàng; phòng, chống rửa tiền; lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Hải Ninh thực hiện

BẢN DESKTOP