Giáo dục

Điều chỉnh ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Cánh Diều: Càng sửa càng hỏng

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Đánh giá về tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông cho biết, sửa theo kiểu chắp vá và càng sửa càng hỏng.

Xin ý kiến về tài liệu điều chỉnh sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều

Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM vừa công bố tài liệu điều chỉnh sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều để xin ý kiến nhân dân.

Tài liệu này gồm 12 trang được đăng tải trên trang web của bộ SGK Cánh Diều lớp 1 với 2 nội dung chính:

Phần I: Giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp.

Phần II: Hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài.

Những bài học được điều chỉnh trong SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều.
Những bài học được điều chỉnh trong SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều.

Những bài học được điều chỉnh trong SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều.

Theo đó, ở phần ngữ liệu, tài liệu này bổ sung 11 bài đọc cho 11 bài bị cho là không phù hợp để thầy cô có thể sử dụng thay thế, cùng nhiều điều chỉnh liên quan từ ngữ trong các bài học

bài "Ve và gà" (phần 1) được bổ sung thành bài "Bờ hồ", bài "Quạ và chó" được bổ sung thành bài "Phố thợ Nhuộm", bài "Cua, cò và đàn cá" được bổ sung thành bài "Kết bạn", bài "Hai con ngựa" được bổ sung thành bài "Mẹ thật là ấm" hay bài "Lừa, thỏ và cọp" được bổ sung thành bài "Bạn của Hà", bài "Ước mơ của tảng đá" phần 1 được bổ sung thành bài "mưa"...

Với những ngữ liệu bổ sung này, giáo viên có thể thay thế để giảng dạy cho phù hợp.

Ở phần điều chỉnh từ ngữ, nhiều từ bị đánh giá không phù hợp, được loại bỏ, thay thế. Ví dụ từ "quà...quà" ở trang 49 được điều chỉnh là: "quạ...quạ"; từ "dưa đỏ" ở trang 58 được điều chỉnh là "quả dưa"; câu "nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ" ở trang 61 được điều chỉnh là: "Nó la cà chỗ nọ, chỗ kia, lơ mơ ngủ; câu "có kẻ đã cuỗm gà nhép" ở trang 105 được điều chỉnh là: "Có kẻ đã tha gà nhép đi".

Các từ: "hí hóp" ở trang 125, "ngủ" trang 51, cụm từ "Bê be be" trang 25... được loại bỏ. 

Sửa mang tính chắp vá

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về việc điều chỉnh sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Cánh Diều của Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông cho biết, việc sửa chữa này mang tính chắp vá. Ông đã đọc tất cả các bài tập đọc đưa vào bổ sung thì thấy đều có những lỗi sai về logic, tư duy, ngôn ngữ.

Điều đáng nói là qua đó thể hiện, làm lộ rõ hơn năng lực của người biên soạn, ngữ liệu đưa vào bổ sung đã làm lộ rõ hơn năng lực của người biên soạn sách, rất yếu.

Cụ thể, ở bài tập đọc “Sáng sớm trên biển”: “Sáng sớm, biển thật là đẹp. Từ phía xa tít tắp, một vầng hồng từ từ nhô lên. Mặt biển bỗng ửng hồng. Từng lớp sóng nhấp nhô. Những tia nắng sớm nô đùa trên sóng. Nắng lên dần. Mặt biển sáng rực”.

Bài tập đọc Sáng sớm trên biển.

Bài tập đọc Sáng sớm trên biển.

“Vầng hồng” không để chỉ một vật cụ thể, mà để chỉ một khoảng không gian, vậy thì làm sao có thể “từ từ nhô lên” được? Nếu viết “mặt trời” từ từ nhô lên thì được, nhưng không thể dùng “vầng hồng”. Cũng không thể nói rằng dùng “vầng hồng” để chỉ mặt trời được, dạy trẻ em trước hết phải đúng.

Tiếp theo, từ “bỗng” cũng sai về logic. Giả sử, “vầng hồng” đó có “từ từ nhô lên”, thì mặt biển cũng chỉ có thể “dần” chuyển sang ửng hồng, chứ không thể “bỗng”. Bởi “bỗng” là để chỉ một sự việc xảy ra nhanh, bất ngờ, không lường trước. Vậy đi với “từ từ” thì không thể là “bỗng” được.

Bài tập đọc Ông bà em.

Bài tập đọc Ông bà em.

Hoặc bài tập đọc “Ông bà em”: “Ông bà em rất thương em. Sáng sáng, ông đưa em đến trường. Hết giờ học, ông đón em về. Khi em về đến nhà, bà đã pha sẵn cho em một li nước cam. Em uống nước và kể cho ông bà em nghe về em và các bạn ở trường” cũng thể hiện nhiều cái không phù hợp để đưa vào bài dạy.

Thứ nhất, lối sống “khi em về đến nhà, bà đã pha sẵn cho em li nước cam” không phải phổ biến ở các gia đình. Đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện để các em có được sự chăm sóc như vậy. Nên chọn những nội dung sinh hoạt gần gũi, phổ biến hơn.

Thứ hai, với nội dung trong bài, thì thấy ông bà như người phục vụ, còn các cháu chỉ hưởng thụ. Nếu nhằm mục đích giáo dục, thì không nên chọn những ngữ liệu có nội dung thế này.

Ngoài ra, chưa kể còn là “số trang” và “trang số” trong phần tài liệu đưa ra. “Trang số” là để chỉ thứ tự, còn “số trang” là để chỉ cái tổng số (ví dụ, tổng số trang của cuốn sách này là bao nhiêu trang). Dùng "số trang" để chỉ nội dung lẽ ra là "trang số" như trong tài liệu này là sai.

“Qua đó, để thấy một điều, đúng như tôi đã từng nhận định, cần xem lại năng lực của những người biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Cánh Diều, họ dường như không đủ năng lực để biên soạn sách. Ngôn ngữ có những quy tắc rất nghiêm ngặt, không thể dùng tùy tiện. Sửa như bài “Sáng sớm trên biển” thì càng sửa càng hỏng, càng làm tiếng Việt mất đi vẻ đẹp. Chưa kể còn sai lạc cả về tư duy, logic”, ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, bản thân những người biên soạn sửa còn không chính xác, mà lại nói giáo viên có quyền chọn ngữ liệu thay thế thì là trút gánh nặng lên vai người khác, không thể được. Đã là sách giáo khoa, trước hết phải chuẩn. Còn lựa chọn của giáo viên, là lựa chọn giữa những cái chuẩn, chứ không phải tự tìm cái chuẩn để thay thế cái sai.

Cũng không thể nói rằng do là năm đầu tiên triển khai chương trình mới cho nên có nhiều bỡ ngỡ, vấp váp, có thể thông cảm.

Lần đầu tiên thực hiện có thể chưa thuần thục về thao tác dạy, nhưng không thể nói dạy kiến thức sai vì là lần đầu tiên. Kiến thức lúc nào cũng phải chuẩn, không có lần đầu tiên hay cuối cùng.

“Tôi vẫn giữ nguyên ý kiến ban đầu là cần phải thu hồi sách để chỉnh sửa một cách kỹ càng, chứ không thể làm theo kiểu chắp vá, như kiểu trấn an dư luận, nhưng càng sửa lại càng thêm lỗi thế này”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt nói.

 Dự kiến trước ngày 30/11, Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM sẽ hoàn thiện tài liệu và gửi về các trường tiểu học cho học sinh miễn phí.

Mai Nguyễn

BẢN DESKTOP