Hỏi:Tôi 81 tuổi, bị đái đái tháo đường (ĐTĐ) 27 năm, kèm theo tăng huyết áp và đã đặt 2 stent động mạch vành. Hiện chỉ số HbA1C của tôi đang là 7,42%, muốn chỉnh thuốc để đạt được mục tiêu là dưới 7% nhưng bác sĩ từ chối. Xin hỏi, điều chỉnh mức HbA1C thế nào cho đúng?
Nguyễn Văn Huấn (Hà Nội)
![]() |
Lựa chọn mục tiêu HbA1C theo tuổi - Ảnh BSCC |
Trả lời: Đúng là hướng dẫn điều trị của Hội ĐTĐ Hoa Kỳ (ADA) năm 2025 có nêu phần lớn các bệnh nhân ĐTĐ cần đạt mục tiêu HbA1C < 7%, nhưng mục tiêu này cần được thay đổi tùy từng bệnh nhân cụ thể.
Bệnh nhân trẻ, khỏe mạnh, hiểu biết tốt, phác đồ điều trị đơn giản và ít tác dụng phụ, mục tiêu HbA1C nên < 6,5%. Các bệnh nhân lớn tuổi nhưng còn khỏe, HbA1C nên từ 7,0 – 7,5%. Các bệnh nhân lớn tuổi, sức khỏe không tốt, có nhiều bệnh đi kèm hoặc biến chứng ĐTĐ thì mục tiêu HbA1C nên là < 8,0%.
Những bệnh nhân lớn tuổi, sức khỏe yếu, có nhiều bệnh nặng (như suy thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim…) có thể để HbA1C > 8%, thậm chí không quan tâm đến mục tiêu này nữa.
Lý do là cần cân bằng giữa lợi ích (kiểm soát tốt đường huyết, giảm biến chứng) với nguy cơ (hạ đường huyết, chi phí cao, tác dụng phụ…). Lưu ý, lợi ích của kiểm soát tốt đường huyết thường chỉ đến sau vài năm, nhưng hạ đường huyết sẽ khiến bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu, có nguy cơ tử vong sớm, khiến bệnh nhân sợ, buông lỏng điều trị về sau.
Hội ĐTĐ Hoa Kỳ cũng khuyến cáo việc đặt mục tiêu HbA1C của một bệnh nhân cụ thể phải dựa trên 6 yếu tố chính là:
- Thời gian mắc ĐTĐ dài hay ngắn?
- Nguy cơ bị hạ đường huyết cao hay thấp?
- Gánh nặng điều trị (chi phí, tác dụng phụ, số lần dùng thuốc…) nặng hay nhẹ?
- Có bệnh đi kèm không, nặng hay nhẹ?
- Có biến chứng tim mạch chưa?
- Phác đồ điều trị có bao gồm các thuốc có lợi ích trên tim mạch hay không?
Bác bệnh nhân trên tuổi cao, bị ĐTĐ 27 năm, đã có biến chứng tim mạch (stent ĐM vành) và nguy cơ hạ đường huyết cao (vì đang tiêm 3 mũi insulin) nên mục tiêu HbA1C của bệnh nhân này là từ 7,0 – 7,5%, thậm chí < 8,0% là chấp nhận được.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải đo đường huyết mao mạch nhiều lần trong ngày, nhất là lúc bị đói để điều chỉnh liều insulin phòng hạ đường huyết. Bệnh nhân có thể ăn thêm bữa phụ để tránh bị đói theo hướng dẫn của bác sĩ.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)