NHÌN THẲNG

Điều chỉnh giảm viện phí: Gánh nặng của người bệnh chưa chắc đã giảm

Bắt đầu từ 15/7, theo đúng lộ trình, giá khám chữa bệnh và khoảng 88 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, tiền túi mà người bệnh phải chi trả cho khám chữa bệnh vẫn rất lớn, chưa kể chất lượng khám chữa bệnh có thể bị ảnh hưởng.

Khoản tiền túi mà người bệnh phải bỏ ra chi trả khám chữa bệnh hiện vẫn rất cao.

Thông tư 15 do Bộ Y tế vừa ban hành để thay thế cho Thông tư liên tịch số 37 sẽ chính thức có hiệu lực từ 15-7, tức ngày hôm nay (dù là ngày cuối tuần). Theo thông tư này, từ ngày 15-7, tại các cơ sở y tế công lập, 88 dịch vụ y tế sẽ có sự thay đổi về giá, trong đó chủ yếu điều chỉnh giảm giá.

Cụ thể, giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 sẽ giảm từ 39.000 đồng hiện nay xuống còn 33.000 đồng/lượt; giá khám tại bệnh viện hạng 2 từ 35.000 đồng giảm xuống còn 29.600 đồng/lượt, bệnh viện hạng 3 từ 31.000 đồng còn 26.000 đồng/lượt, bệnh viện hạng 4 và trạm y tế xã từ 29.000 đồng còn 23.300 đồng/lượt.

Các dịch vụ chụp chiếu, xét nghiệm giảm giá mạnh, như chụp X-quang số hóa 1 phim từ 69.000 đồng giảm xuống còn 62.000 đồng/vị trí chụp; CT Scanner đến 32 dãy từ 970.000 giảm xuống còn 620.000 đồng; chụp CT Scanner 64 dãy đến 128 dãy từ 2.266.000 đồng còn 1.689.000 đồng; chụp CT Scanner toàn thân 64 dãy – 128 dãy từ 4.136.000 đồng còn 3.435.000 đồng; chụp PET/CT từ 20.114.000 đồng còn 19.614.000 đồng; chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang từ 2.336.000 đồng còn 2.200.000 đồng/dịch vụ…

Theo ghi nhận của chúng tôi, do hôm nay (ngày đầu tiên thông tư 15 có hiệu lực) là ngày Chủ nhật, các bệnh viện chủ yếu tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, số bệnh nhân đến khám rất ít nên sự biến động do điều chỉnh giá dịch vụ y tế chưa thể hiện nhiều.

Tuy nhiên, về lý thuyết, việc điều chỉnh giảm viện phí lần này kéo theo nguồn thu của các bệnh viện giảm mạnh. Điều đó cũng khiến nhiều người bệnh lo ngại chất lượng khám chữa bệnh sẽ bị ảnh hưởng, hoặc họ có thể sẽ phải trả chi phí cho những dịch vụ khác ngoài khoản viện phí được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán.

Thực tế, đây là những lo ngại không phải không có cơ sở. PGS. TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ, với các bệnh viện tự chủ hoàn toàn như Bệnh viện Tim Hà Nội thì việc Thông tư 15 giảm giá nhiều dịch vụ y tế không gây xáo trộn nhiều, song với các bệnh viện chưa tự chủ, nhất là bệnh viện tuyến dưới thì có thể bị ảnh hưởng lớn.

“Việc giảm giá một số dịch vụ y tế ngoài việc cân đối Quỹ BHYT còn mục đích muốn tránh lạm dụng quỹ bảo hiểm, thế nên đưa ra các bài toán tính toán để việc lạm dụng đó tối thiểu như khám, chụp X-quang bao nhiêu ca một ngày… Tuy nhiên, lương cán bộ y tế được tính trong giá dịch vụ y tế, nếu giảm giá dịch vụ đồng nghĩa với việc giảm lương. Đòi hỏi các bệnh viện phải tính toán, cân đối để lấy thu bù chi…” – ông Tuấn nhận định.

Dưới góc độ cơ quan giám sát việc chi trả BHYT cho người bệnh của các cơ sở y tế, tại hội nghị triển khai Thông tư 15 khu vực phía bắc cách đây hơn một tuần, ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT – BHXH Việt Nam bày tỏ, Thông tư 15 đang đưa giá dịch vụ y tế về giá trị đích thực. Song chất lượng khám chữa bệnh là vấn đề cần quan tâm.

Ông Phúc dẫn chứng, theo Thông tư mới, giá khám bệnh ở các bệnh viện đều giảm khá mạnh, nhưng Thông tư này lại quy định mỗi bàn khám được khám đến 65 lượt bệnh nhân/ngày và BHYT vẫn thanh toán 100%, trong khi trước đây quy định mỗi bàn khám chỉ khám 35 lượt. Một bàn bác sĩ phải khám quá nhiều, 70-80 bệnh nhân, thậm chí 100 bệnh nhân/ ngày thì chất lượng khám chữa bệnh sẽ hạn chế.

Đặc biệt, ông Phúc cảnh báo, hiện tượng cơ sở y tế thu thêm của người bệnh ngoài khoản được BHYT chi trả vẫn xảy ra khá nhiều, nhất là tại các bệnh viện phía Bắc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra như hiện nay thì chỉ số chi tiêu từ tiền túi của người dân sẽ tăng lên chứ không giảm.

Ông Lê Văn Phúc dẫn chứng, bản thân ông đưa người nhà đi khám bệnh phải nộp thêm khá nhiều chi phí, trong đó có nhiều khoản mà ông biết là BHYT đã chi trả. “Tôi cũng nhận được nhiều đơn người dân hỏi tại sao họ không phải đồng chi trả BHYT mà bệnh viện vẫn yêu cầu phải chi trả thêm. Điều này có hai lý do, có thể do bệnh viện không giải thích với người bệnh hoặc nói thẳng là do lạm thu, khoản này lẽ ra họ không phải đóng” – ông Phúc nói.

Mới đây, trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phản ánh về những bất cập của Thông tư 15, BHXH Việt Nam cho rằng các nội dung điều chỉnh, bổ sung tại Thông tư sẽ chưa thể khắc phục được tình trạng kê thêm giường bệnh không kiểm soát, tăng chỉ định vào điều trị nội trú, kéo dài ngày điều trị, chỉ định rộng rãi, quá mức cần thiết các dịch vụ kỹ thuật để tăng nguồn thu dẫn đến gia tăng chi khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng chỉ rõ, giá một số dịch vụ tại Thông tư 15 vẫn chưa phù hợp vì Bộ Y tế đa số khảo sát ở các bệnh viện tuyến trên, trong khi tại tuyến dưới, chất lượng các trang thiết bị chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Theo An ninh Thủ đô

BẢN DESKTOP