Khoa học & Công nghệ

Diệt kiến bằng mẹo, thảo mộc không hiệu quả

Diệt kiến bằng mẹo, thảo mộc không hiệu quả. Đây là cảnh báo của các chuyên gia. Theo đó, những biện pháp này không đạt hiệu quả cao mà còn vô tình gây ra những phiền toái khác cho ngôi nhà của bạn.

Diệt kiến bằng mẹo, thảo mộc không hiệu quả, thậm chí còn có thể gây ra phiền toái.

Tác dụng ngược

Lo sợ thuốc hóa học gây độc hại vì thế khi thấy nhà xuất hiện kiến, nhiều người nhờ cậy các loại thảo mộc hoặc mẹo dân gian như dùng nước cốt chanh, cốt cam đổ vào tổ kiến, dùng muối rắc lên đường đi của kiến… Các phương pháp này được giới thiệu rất cụ thể trên các trang mạng.

Cụ thể, với bột mỳ, bạn chỉ cần rắc một dòng bột mì quanh kệ đựng thức ăn hoặc bất kỳ nơi nào trong nhà mà bạn nhìn thấy kiến. Với chanh, đầu tiên, xịt một chút nước chanh vào ngưỡng cửa và bệ cửa sổ, sau đó, vắt chanh vào bất kỳ lỗ hay vết nứt nào có kiến. Với cam, bạn cho vài miếng vỏ cam cùng một cốc nước ấm vào máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi đổ lên những nơi bạn không muốn kiến xuất hiện.

Với muối, bạn có thể rắc muối dọc theo đường đi của chúng hoặc ngang cửa. Bạn cũng có thể dùng giấm ăn, hãy đổ nước và giấm với tỷ lệ 1:1 vào một bình xịt, sau đó phun lên những khu vực bạn nhìn thấy kiến, kiến ghét mùi giấm và chúng sẽ bỏ.

Thậm chí nhiều người còn sử dụng cả phấn thơm (phấn rôm) bằng cách rắc phấn rôm xung quanh móng nhà, cửa ra vào và cửa sổ để phòng trừ kiến. Ngoài ra, bạn có thể rắc bột hàn the, lưu huỳnh, dầu đinh hương hay trồng bạc hà quanh nhà… để phòng và diệt trừ kiến.

GS.TS Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học cho biết, những biện pháp như trên, có ưu điểm là đơn giản, rẻ tiền vì sử dụng những nguyên liệu sẵn có ngay trong gia đình bạn. Tuy nhiên, những biện pháp này không đạt hiệu quả cao, thậm chí còn vô tình gây ra những phiền toái khác trong ngôi nhà của bạn.

Ví dụ như bột mỳ là chất hút ẩm, nó sẽ tăng thêm nấm mốc, bụi bẩn trong căn phòng của bạn; chanh cam lại là loại hoa quả dẫn dụ ruồi giấm vào trong nhà bạn, chúng sẽ xâm nhập vào các hoa quả chín khác trong bàn ăn của bạn; muối sẽ gây ố, đặc biệt đối với nền gỗ….

Ở nước ta, kiến có nhiều loài, giống. Mỗi nhóm loài có những đặc điểm sinh học riêng, một số loài có thể xác định được tổ mối, tuy nhiên, rất nhiều loài gây hại phổ biến rất khó xác định được vị trí tổ của chúng.  “Tôi chắc rằng các biện pháp như trên đều không hiệu quả đối với những loài kiến này ngay cả khi bạn đã tìm thấy tổ của chúng”, GS.TS Bùi Công Hiển khẳng định.

Kết quả nghiên cứu của Trịnh Văn Hạnh và cộng sự (2014) ở Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã xác định có 17 loài thuộc 9 giống, 4 phân họ kiến gây phiền toái cho các cư dân sống trong khu đô thị.

Bả là hiệu quả nhất

Theo GS.TS Bùi Công Hiển, cho đến nay, có nhiều biện pháp phòng trừ kiến đã được áp dụng trên thế giới. Tuy nhiên, biện pháp sử dụng bả được xem là hiệu quả nhất. Biện pháp này dựa trên tập tính tìm kiếm và khai thác thức ăn của kiến để xử lý cả quần tộc kiến.

Kiến là côn trùng xã hội, có sự phân công lao động chặt chẽ giữa các đẳng cấp khác nhau ở trong quần tộc. Một nhóm kiến có nhiệm vụ đi lan tỏa để tìm kiếm thức ăn, gặp được thức ăn ưa thích rồi chúng tuyển mộ thêm các cá thể khác trong tổ đến khai thác thức ăn.

Tại Việt Nam, các nhà khoa học của Viện sinh thái và Bảo vệ công trình đã nghiên cứu thành công công thức bả diệt kiến. Bả gồm hai thành phần: chất nền và hoạt chất diệt kiến. Chất nền của bả được phối trộn từ hỗn hợp nhiều loại thức ăn ưa thích của kiến, nên bả có khả năng hấp dẫn nhiều loài kiến.

Hoạt chất với hàm lượng thấp chỉ đủ gây độc đối với côn trùng và là chất gây độc chậm đối với kiến. Chính vì vậy, kiến tưởng rằng bả là mồi ngon và tha mang về tổ, chia sẻ với các cá thể khác trong quần tộc. Sau một khoảng thời gian (tùy theo loài), độc tố được lan tryền đến hầu hết các cá thể trong quần tộc và dẫn tới gây chết cả quần tộc kiến tức cả tổ kiến.

Đức Anh

BẢN DESKTOP