Khoa học & Công nghệ

Diệt gián bằng thực phẩm nhà bếp không hiệu quả

Thay vì sử dụng hóa chất nhiều người nghĩ đến các biện pháp diệt gián đơn giản, an toàn và lại sẵn có trong nhà bếp như đường, hành tây, bột nở, dưa chuột… Tuy nhiên, theo chuyên gia, diệt gián bằng thực phẩm nhà bếp không hiệu quả thậm chí gây tác dụng ngược…

Theo chuyên gia, diệt gián bằng thực phẩm nhà bếp không hiệu quả thậm chí gây tác dụng ngược…

Tác dụng ngược

Gián là loài côn trùng thường xuất hiện trong nhà. Để diệt gián, ngày nay, nhiều người tìm hiểu các phương pháp diệt gián an toàn như tận dụng chính các thực phẩm trong bếp. Chỉ cần vào internet tìm kiếm, bạn sẽ có đầy đủ thông tin về các thực phẩm có thể sử dụng để diệt gián cũng như cách thức thực hiện.

Đầu tiên phải kể đến hành tây, mùi của chúng có tác dụng xua đuổi gián. Bạn chỉ cần thái củ hành tây theo chiều dọc và đặt ở trong bếp hay những vị trí khác trong phòng mà gián ẩn nấp, ngửi thấy mùi hành tây, gián sẽ bỏ chạy.

Tương tự hành tây, mùi của quả dưa chuột cũng khiến gián sợ. Bạn chỉ cần thái quả dưa chuột thành lát để vào những vị trí mà gián hay ẩn nấp, gián sẽ không dám bén mảng tới.

Tương tự, gián thích đồ ngọt nên bạn có thể dùng một hộp/bát đựng nước hòa thêm vài thìa đường. Ngửi thấy mùi đường gián sẽ mò đến và chết đuối bởi nước.

Vỏ cam, vỏ quýt cũng được tin dùng để diệt gián. Gián rất sợ mùi của vỏ canh, quýt, do đó thay vì vứt đi sau khi ăn, chúng ta tận dụng lại vỏ cam, quýt hay thậm chí là vỏ chanh rồi để vào tủ hoặc bếp sẽ giúp xua đuổi gián. Không chỉ diệt gián, các loại thảo mộc này còn có tác dụng khử mùi, một mũi tên trúng hai đích.

Bột nở (bột baking soda) cũng là một cách để diệt gián. Bạn có thể trộn bột nở vơi một ít bánh hay hành phi để dụ gián tới. Do gián không có hệ thoát hơi như các loài động vật khác nên khi ăn bột nở hệ tiêu hóa của gián sẽ tạo nhiều hơi làm phình bụng mà chết…

GS.TS Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học cho biết, tất cả các phương pháp trên đều chưa được khoa học chứng minh về tính hiệu quả.

Đặc biệt, chưa xét tới tính hiệu quả, việc sử dụng các nguyên liệu này thậm chí có thể gây tác dụng ngược. Ví dụ như bột nở vốn là chất hút ẩm, nó sẽ tăng thêm nấm mốc, bụi bẩn trong căn phòng của bạn; vỏ cam, quýt vốn lại là thứ dẫn dụ ruồi giấm vào trong nhà bạn, chúng sẽ xâm nhập vào các hoa quả chín khác trong bàn ăn của bạn…

“Có khi chưa diệt được gián, các nguyên liệu này lại dẫn dụ thêm ruồi, kiến… và làm bẩn thêm nhà”, GS.TS Bùi Công Hiển nói.

GS.TS Bùi Công Hiển: Người dân không nên dùng bình xịt diệt gián. Cách này cũng không đem lại hiệu quả. Lý do là vì khi thấy gián, bạn lấy được bình xịt thì gián đã chạy mất. Khi ấy bạn có phun vào chỗ gián ẩn nấp cũng ít hiệu quả.

Diệt gián không quá khó

Theo GS.TS Bùi Công Hiển, gián là côn trùng sống gần người, nên sớm muộn nhà nào cũng có gián ở mức nhiều hay ít. Gián thường sinh sống nơi ẩm thấp, tối như bếp, bể nước ngầm, cống rãnh, chỗ để rác… Cách đơn giản nhất để hạn chế gián là thường xuyên lau dọn sạch sẽ, đặc biệt là khu vực bếp ăn, các gầm tủ, thùng rác…

Ở trong tủ quần áo, giá sách hay tủ bếp (tương đối kín) có thể dùng băng phiến (Naphtalen) để trong túi vải nhỏ. Băng phiến có tính bay hơi sẽ xua đuổi gián.

Khi có gián, bạn cũng có thể dùng bẫy dính ruồi hay dính chuột để vào góc tối ở bếp hay gần nơi để rác (tránh người vô tình dính phải) để bắt gián. Một biện pháp an toàn khác là dùng bả diệt gián vừa đơn giản, hiệu quả và không đắt.

Một cách nữa bạn có thể sử dụng là dầu hỏa. Bạn dùng một mảnh vải tẩm dầu hỏa nhét vào những khe kẽ, nơi gián sinh sống và ẩm nấp. Mùi dầu hỏa sẽ khiến cho gián không chịu được phải bò ra ngoài.

Khi bò ra, chúng sẽ bám vào các vết dầu loang, dầu thấm vào các cơ quan hô hấp khiến gián tử vong. Hơn nữa, nếu gián không chết do dầu hỏa, khi chúng bò ra thì có thể xử lý bằng cách biện pháp cơ học mà mọi người vẫn hay làm… Tuy nhiên, để đảm bảo vệ sinh, sau đó nhớ vệ sinh dụng cụ đập và rửa tay chân, tốt nhất là bằng xà phòng.

Sơn Hà

Từ Khoá

BẢN DESKTOP