KHOẺ ĐẸP

“Điểm mặt” các phòng khám “chui” bị xử phạt, đình chỉ hoạt động

  • Tác giả : Bình Nguyên
Cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều phòng khám, cơ sở y tế hoạt động không phép hoặc trái phép gây bức xúc trong dư luận.
Trong những năm gần đây, ngành y tế đã không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đồng thời siết chặt việc kiểm soát hành nghề y, dược nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, không ít cơ sở y tế, phòng khám tư nhân vẫn vi phạm các quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến người bệnh, làm giảm uy tín của ngành y.
Nhiều phòng khám bị xử phạt vì hoạt động không phép
Mới đây, Công ty TNHH Nha khoa Tân Mỹ bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt hành chính số tiền 90 triệu, đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở trong thời hạn 18 tháng do cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.
Không chỉ Nha khoa Tân mỹ, thời gian gần đây, nhiều phòng khám “chui” cũng bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Trong số đó, Thẩm mỹ viện và Y khoa Quốc tế (56 Nguyễn Lương Bằng, phường Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai), bị Sở Y tế tỉnh Gia Lai xử phạt 45 triệu, đình chỉ hoạt động 18 tháng. Cơ sở này do ông Nguyễn Văn Tâm (SN 1999, nghề nghiệp Y sĩ) làm chủ.
“Diem mat” cac phong kham “chui” bi tuyt coi
Nha khoa Tân Mỹ bị đình chỉ hoạt động (Ảnh daibieunhandan.vn)
Trước đó, cuối năm 2024, cũng lỗi vi phạm tương tự, Công ty TNHH Phòng khám Thẩm mỹ Rita (314 Cao Thắng, phường 12, quận 10, TP HCM) bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt 147 triệu đồng, đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh 18 tháng.
Sai phạm của Công ty TNHH Phòng khám Thẩm mỹ Rita gồm: Cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định; Người hành nghề không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh theo quy định; Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Ngoài ra, ông Lê Vũ Hoàng, nhân viên Công ty TNHH Phòng khám Thẩm mỹ Rita cũng bị xử phạt 35,2 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 23 tháng do có hành vi: Khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu và trường hợp thực hiện thêm các kỹ thuật chuyên môn đã được cho phép theo quy định.
“Diem mat” cac phong kham “chui” bi tuyt coi-Hinh-2
Quyết định xử phạt Công ty TNHH Phòng khám Phẫu thuật thẩm mỹ Skinbee (Ảnh chụp màn hình)
Cũng vào cuối năm ngoái, Công ty TNHH Phòng khám Phẫu thuật thẩm mỹ Skinbee (địa chỉ 94 đường 3/2, phường 12, quận 10) bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM ban hành Quyết định xử phạt hành chính vì hàng loạt vi phạm trong quá trình hoạt động.
Theo Quyết định xử phạt, Công ty TNHH Phòng khám Phẫu thuật thẩm mỹ Skinbee đã có các loạt hành vi vi phạm gồm: Hoạt động có biển hiệu không có đủ các thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật; không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; không niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, phòng khám này còn cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu; Sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Đặc biệt, phòng khám này ngang nhiên cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Từ loạt vi phạm trên, Công ty TNHH Phòng khám Phẫu thuật thẩm mỹ Skinbee bị xử phạt 287 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 4 tháng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở trong thời hạn 3 tháng; đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 18 tháng.
Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Thắng, bác sĩ của phòng khám thuộc công ty cũng bị xử phạt 2 triệu đồng do có hành vi “Không lập hồ sơ, bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật”.
Vi phạm tràn lan vì xử phạt chưa đủ sức răn đe?
Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, luật gia Lê Trọng Hiền - Công ty Luật TNHH ATN & Cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, tình trạng phòng khám “chui”, cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép tràn lan như hiện nay xuất phát từ những nguyên do sau:
Thứ nhất, nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ tăng cao, đặc biệt là giới trẻ, nhưng nhiều người thiếu kiến thức, hiểu biết để phân biệt được cơ sở hợp pháp và trái phép, dễ bị chi phối, thu hút bởi quảng cáo giá rẻ, hiệu quả nhanh.
Thứ hai, việc quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền chưa được chặt chẽ, không thường xuyên cùng với chế tài chưa đủ mạnh.
Thứ ba, việc quảng cáo trên các nền tảng Facebook, Tiktok chưa được kiểm duyệt chặt chẽ, cơ quan có thẩm quyền khó kiểm soát.
Hiện nay, hành vi vi phạm về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP với mức phạt tối đa là 100.000.000 đồng. Ngoài ra, cơ sở vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đình chỉ hoạt động; Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của cá nhân có hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, hành vi này còn có thể bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sử năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” với mức phạt thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Tuy nhiên, thực tế việc xử lý hình sự đối với các hành vi này chưa nhiều và thường xảy ra trong trường hợp đã gây tổn hại tới sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân. Do vậy, với mức phạt tiền còn rất thấp so với nguồn lợi bất chính thu được từ hành vi vi phạm, các cơ sở vẫn bất chấp, cố tình vi phạm pháp luật. Theo đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần xem xét điều chỉnh mức phạt vi phạm hành chính để đảm bảo tính răn đe, hạn chế các sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Bình Nguyên

BẢN DESKTOP