Bệnh tiểu đường (Đái tháo đường)
Bệnh tiểu đường là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbonhydrat khi hormone insulin của Tụy không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể giảm đáp ứng với tác dụng của insulin (đề kháng với insulin).
Trong gia đoạn đầu bệnh thường làm người bệnh đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm nên làm bệnh nhân khát nước.
Bệnh tiểu đường khi biến chứng rất nguy hiểm như giảm ham muốn tình dục, suy thận, mù mắt, tai biến, nhồi máu cơ tim, hoại tử và có nguy cơ tử vong,…
Nam giới bị tiểu đường có nguy cơ bị ung thư cao hơn 19% so với nhóm không bị. Mức độ này ở nữ giới còn cao hơn lên tới 27%.
Ngoài ra, khoảng 15% – 25% bệnh nhân tiểu đường sẽ xuất hiện loét chân và trên 70% bệnh nhân loét chân sẽ bị tái phát trong 5 năm và cứ 30 giây có một ca phải phẫu thuật cắt chân do đái tháo đường mà phần lớn có tình trạng ban đầu là loét chân.
Bệnh cường giáp
Bệnh cường giáp hay gọi là cường giáp trạng là tình trạng xảy ra do tuyến giáp sản xuất quá mức hormone tuyến giáp. Bệnh ở nữ nhiều hơn nam và chủ yếu ở độ tuổi 30 - 45.
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm khó chịu dễ cáu gắt, teo cơ, ngón tay run, mắt lồi, khó ngủ, nhịp tim nhanh bất thường, phì đại tuyến giáp, chịu nóng kém, tiêu chảy và giảm cân mạnh.
Ảnh minh hoạ |
Cường giáp làm tăng nguy cơ mắc chứng rung nhĩ tim mạch lên tới 3 lần. Các biểu hiện bao gồm cơ thể mệt mỏi, tim đập nhanh, loạn nhịp, đánh trống ngực, chóng mặt, choáng, ngất,…
Việc tăng hormone ở tuyến giáp làm tim co bóp mạnh, nhanh, nếu kéo dài tế bào cơ tim dự trữ không đáp ứng được, dẫn đến suy tim. Các biểu hiện là khó thở, tiểu ít, tím môi, gan to,…
Khi bị cường giáp, người bệnh thường cảm thấy chói mắt, nóng rát, chảy nước mắt, cảm giác mắt cộm như có bụi bay vào. Nếu kéo dài sẽ khiến cho mắt bị lồi, phù kết mạc, liệt cơ thị giác. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhìn lé, thậm chí mù lòa,…
Một biến chứng hiếm gặp là bão giáp trạng, bệnh nhân sẽ sốt cao, tinh thần hoảng loạn, lo lắng hoặc kích thích dữ dội, tim đập rất nhanh,…
Bệnh suy giáp
Bệnh suy giáp là tình trạng suy giảm chức năng tuyến giáp khi hormone tuyến giáp không đủ so với nhu cầu cơ thể gây tổn thương các mô, cơ quan.
Bệnh hay gặp ở nữ giới chiếm khoảng 2% trong khi ở nam giới chỉ có 0,1%. Ở trẻ em, suy giáp bẩm sinh gặp ở 1/5000 trẻ sơ sinh.
Ảnh minh hoạ |
Bệnh này sẽ dần trở nên nguy hiểm hơn nếu không được điều trị đúng cách. Các biến chứng có thể xảy ra như:
Bướu cổ: việc kích thích liên tục khiến tuyến giáp phải tăng cường sản xuất nhiều hormone hơn. Đây là nguyên nhân làm tuyến giáp tăng kích thước gây ra bệnh bướu cổ.
Biến chứng trong thai kỳ: theo nhiều nghiên cứu khoa học, hormon tuyến giáp thiếu hụt trong thời kì mang thai sẽ làm tăng nguy cơ gây sảy thai, tiền sản giật hoặc sinh non.
Bệnh tim mạch: suy giáp cũng có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh lý về tim mạch. Thậm chí suy giáp cận lâm sàng (dạng bệnh lành tính hơn suy giáp) cũng có thể làm tăng tổng nồng độ cholesterol và làm giảm khả năng co bóp của tim dẫn đến giãn buồng tim và suy tim.
Trầm cảm: những bệnh nhân suy giáp có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm rất cao. Không những thế, bệnh này còn làm chậm hoạt động chức năng tâm thần.
Bệnh thần kinh ngoại biên: suy giáp kéo dài có thể làm tổn thương hệ thần kinh ngoại biên gây ra các triệu chứng như: đau, tê và ngứa ran ở vùng bị ảnh hưởng bởi các tổn thương thần kinh. Nó cũng có thể gây teo cơ hoặc mất kiểm soát các vùng cơ vận động.
Chứng phù niêm: biến chứng này xảy ra là do tình trạng suy giáp kéo dài. Biểu hiện là thân nhiệt không ổn định, khả năng chịu lạnh kém, hay cảm giác buồn ngủ, sau đó hôn mê sâu và mất tri giác.
Gây vô sinh: nồng độ hormone tuyến giáp có thể cản trở sự rụng trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ.
Dị tật bẩm sinh: nếu người mẹ mắc bệnh suy giáp mà không có cách điều trị hợp lý, em bé sinh ra có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hơn những đứa trẻ khác đồng thời hay mắc các bệnh về trí não và bệnh phát triển khác.
Suy tuyến sinh dục
Tuyến sinh dục bao gồm Tinh hoàn (ở nam) và Buồng trứng (ở nữ). Tuyến sinh dục sản sinh ra tế bào sinh dục và hormone sinh dục có tác dụng tới sự xuất hiện những đặc điểm giới tính và tác động quá trình sinh sản.
Ảnh minh hoạ |
Suy sinh dục nam là bệnh khá phổ biến, có tới 52% nam giới từ 40-70 tuổi mắc phải. Biểu hiện là không thể đạt được sự cường dương, xuất tinh hoặc cả hai. Ngoài ra còn giảm nhạy cảm đầu dương vật, dương vật nhỏ đi, tinh hoàn nhỏ đi hoặc không hứng thú với tình dục.
Suy giảm sinh dục nữ là một hội chứng phức tạp, liên quan đến nhiều nội tiết tố sinh dục, trong đó, sự suy giảm estrogen là yếu tố mang tính chất quyết định. Thông thường, hội chứng này xuất hiện vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.
Suy giảm sinh dục nữ gây ra các vấn đề về giảm ham muốn, khô âm đạo, khó đạt khoái cảm, rối loạn rụng trứng, giảm hoặc vô sinh.
Các triệu chứng kèm theo có thể bao gồm giảm khả năng bền bỉ, dễ cáu gắt, mất ngủ, khó ngủ, trầm cảm, giảm trí nhớ, rối loạn vận mạch, choáng váng, bốc hỏa, béo bụng và thắt lưng, đau đầu, căng tức ngực, da nhăn, tóc mỏng, rung, loãng xương, bệnh tim mạch,…
Viêm tuyến giáp
Viêm tuyến giáp là bệnh tổn thương tuyến giáp do nhiễm vi khuẩn, vi rút, thuốc hoặc miễn dịch,… Bệnh có thể gây ra tình trạng suy giáp, cường giáp hoặc cả hai.
Có nhiều loại viêm tuyến giáp, phổ biến là viêm tuyến giáp mạn tính, cấp và bán cấp. Cụ thể:
Viêm tuyến giáp mạn tính (hashimoto) là loại thường gặp nhất là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng suy giáp, xảy ra do rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch.
Viêm tuyến giáp mạn tính thường gặp ở khoảng 5% người trưởng thành và có xu hướng tăng lên theo tuổi.
Ảnh minh hoạ |
Viêm tuyến giáp bán cấp thường xuất hiện sau một đợt bị viêm hầu họng hoặc viêm đường hô hấp trên, có nhiều khả năng do virus gây ra. Nếu để lâu không được điều trị, bệnh nhân có thể sẽ bị suy giáp vĩnh viễn.
Viêm tuyến giáp cấp (hay viêm tuyến giáp sinh mủ) thường do vi khuẩn gây ra. Bệnh nhân thường kèm theo mệt mỏi, sốt cao, vùng cổ sưng nóng và đau.
Giai đoạn đầu các triệu chứng không điển hình gây khó khăn cho chuẩn đoán. Do đó, đa số được phát hiện ở giai đoạn muộn.