Y học và đời sống

Điếc một tai do u dây thần kinh có nguy hiểm?

  • Tác giả : PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh
Các loại điếc do u chèn ép rễ dây thần kinh số VIII ở phần ống tai trong hoặc ở góc cầu tiểu não được gọi là u dây thần kinh số VIII. Bệnh phát triển qua 3 giai đoạn

Hỏi: Người nhà tôi bị điếc một bên tai, đi khám được phát hiện u nằm trong ống tai. Xin hỏi, phẫu thuật có giúp phục hồi tai không? Để lâu có nguy hiểm không?

Lê Thị Huyền (Hà Nội)

Điếc một tai do u dây thần kinh có nguy hiểm? ảnh 1

Điếc một tai do u dây thần kinh có nguy hiểm?

Trả lời: Các loại điếc do u chèn ép rễ dây thần kinh số VIII ở phần ống tai trong hoặc ở góc cầu tiểu não được gọi là u dây thần kinh số VIII. Bệnh phát triển qua 3 giai đoạn.

Ở giai đoạn khởi phát, u xuất phát từ dây tiền đình vùng ống tai trong hoặc ở góc cầu tiểu não, là u bao Schwann thường một bên, trừ trường hợp bệnh Recklinghausen.

Recklinghausen là bệnh u xơ thần kinh ở hai bên tai, triệu chứng báo hiệu là điếc, ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng, ngoài ra có thể kèm theo đau tai, nặng đầu, tê bì ống tai ngoài.

Điếc kiểu tiếp nhận, tuần tiến một bên, chủ yếu là tần số cao, không có hồi thính, thoái hóa ngưỡng nghe và thoái hóa phản xạ cơ bàn đạp, chứng tỏ thính giác mệt mỏi nhanh chóng.

Thăm khám tiền đình và ghi động mắt cho thấy, tiền đình bên bệnh thường giảm và mất kích thích; dây thần kinh số VII giảm phản ứng. Chẩn đoán sớm phát hiện khối u còn nằm trong ống tai trong có thể giải quyết bằng phẫu thuật với tỷ lệ tử vong thấp, rối loạn thính giác và dây thần kinh số VII có thể hồi phục.

Bệnh để lâu tiến triển khối u đã thò ra ngoài ống tai trong, choán góc cầu tiểu não, chạm nhưng chưa chèn ép dây thần kinh não. Dây thần kinh tam thoa đã biểu hiện triệu chứng sớm (giảm cảm giác giác mạc, giảm cảm giác hốc mũi). Dây thần kinh IX, X, XI bị chèn ép. Hội chứng tiểu não: Rối tầm nhìn, mắt liên động, động mắt đa hướng...

Đến giai đoạn tăng áp lực nội sọ bệnh cảnh rất nặng, điều trị phẫu thuật ở các giai đoạn sau có nhiều tai biến, tỷ lệ tử vong cao hơn và kết quả bị hạn chế.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh (Nguyên Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng Trung ương)

PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh

BẢN DESKTOP