Thời sự

Dịch vụ công: Tư nhân làm sẽ tốt hơn Nhà nước

  • Tác giả : Tô Hội
(khoahocdoisong.vn) - Ngày 13/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nâng cao năng lực cho các tổ cức xã hội nhằm thực hiện dịch vụ công. Theo các chuyên gia, khu vực ngoài nhà nước thực hiện các dịch vụ công, chắc chắn chất lượng sẽ cao hơn, chi phí thấp hơn.

Có chức quyền, thân quen thì dễ làm dịch vụ công hơn

Theo TS Đoàn Ngọc Xuân, Ban Kinh tế Trung ương, sự kết hợp giữa Nhà nước với các thành phần kinh tế trong hoạt động cung cấp dịch vụ đang dần trở nên phổ biến như các văn phòng công chứng tư, hệ thống giáo dục tư nhân, Nhà nước chỉ đóng vai trò xúc tiến. Trong điều kiện hiện nay, hoạt động cung cấp dịch vụ công đang được Nhà nước thực hiện trên tinh thần tập trung vào những loại hàng hoá và dịch vụ xã hội cần mà khu vực tư nhân không cung cấp được hoặc cung cấp không có hiệu quả. Về mặt nguyên tắc, Nhà nước không nhất thiết phải trực tiếp cung cấp các dịch vụ công mà có trách nhiệm đảm bảo rằng các dịch vụ công đó được cung cấp trên thực tế.

TS Trần Ngọc Hùng, Tổng hội Xây dựng cho rằng, hiện có thực trạng nhiều cơ quan quản lý nhà nước chưa muốn “buông” dịch vụ công dẫn đến hiện tượng nhũng nhiễu, xin cho… Việc xã hội hoá dịch vụ công là việc làm cần thiết để khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, để xã hội hoá thành công thì phải thực hiện công khai loại hình dịch vụ công nào sẽ được xã hội hoá, giao nhiệm vụ cụ thể đến thời điểm nào phải kết thúc chuyển giao, xã hội hoá hoàn toàn.

Để thực hiện tốt, cung cấp các dịch vụ công có chất lượng thì các tổ chức cần tập hợp đội ngũ chuyên gia giỏi. Nhà nước có cơ chế khuyến khích dịch vụ công nhưng cũng phải ngăn chặn lợi ích nhóm như các vụ việc liên quan dự án BOT, đại học dân lập, nhà trẻ, mẫu giáo… đã xảy ra những sự cố nghiêm trọng.

Cùng quan điểm, TS Đoàn Ngọc Xuân cho rằng, thực tế, hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công chưa đạt hiệu quả cao do sự cản trở từ bộ máy quan liệu chậm được đổi mới, rõ nhất là thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà, quy trình cung ứng dịch vụ qua nhiều tầng nấc, phòng ban, thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu, quan liêu của một bộ phận cán bộ công chức… Việc tuyên truyền hỗ trợ sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa được thực hiện đầy đủ, dẫn đến việc triển khai dịch vụ còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất.

Các thông tin cần thiết về thủ tục, quy trình thực hiện, thông tin về quy hoạch, đất đai, tài nguyên trong nhiều trường hợp chưa được công khai rõ ràng, minh bạch, nên dễ bị lợi dụng để sách nhiễu. Tình trạng bất bình đẳng, phân biệt đối xử trong việc tiếp cận dịch vụ hành chính công còn phổ biến, doanh nghiệp nhà nước được ưu ái hơn doanh nghiệp ngoài quốc doanh, người có chức quyền hoặc thân quen dễ tiếp cận các dịch vụ hơn người bình thường…

Tư nhân sẽ làm tốt hơn nhà nước

Phát biểu tại diễn đàn, TS Đỗ Xuân Lân, Bộ Tư pháp cho rằng, trách nhiệm cung cấp các dịch vụ công trước hết thuộc về Nhà nước, việc chuyển giao dịch vụ công phải đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ. Quá trình triển khai dịch vụ công gắn liền đổi mới tổ chức quản lý nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức công lập hiện nay.

Thực hiện chính sách xã hội hoá, huy động các nguồn lực tham gia, xã hội hoá dịch vụ công, một số bộ ngành đã ban hành các đề án đề triển khai. Cần tiếp tục vai trò của Chính phủ từ “bơi chèo” sang “cầm lái”, thực thi các chính sách pháp luật quốc gia. Để xã hội hoá dịch vụ công thì phải làm rõ phạm vi các dịch vụ công không thể chuyển giao, các dịch vụ công có thể chuyển giao một phần, các dịch vụ công có thể chuyển giao ngay, các yếu tố tác động, cơ chế chính sách…  Nâng cao nhận thức toàn xã hội về xã hội hoá dịch vụ công, tạo chuyển biến đặc biệt trong nhận thức. Ngoài ra có một vấn đề khá “nhạy cảm” theo TS Đỗ Xuân Lân là cần phải nhận thức lại về vấn đề lợi ích cục bộ của bộ ngành, địa phương. Trong việc này, chính các cơ quan nhà nước có dũng cảm để triển khai mạnh mẽ, đầy đủ không chứ không phải là người dân hay doanh nghiệp.

Theo TS Đoàn Ngọc Xuân, để xã hội hoá dịch vụ công, phải có sự dịch chuyển trong tư duy. Thay đổi tư duy từ quản lý sang tư duy phục vụ, từ tư duy của cả hệ thống cán bộ công chức cũng như các doanh nghiệp cá nhân tham gia tổ chức dịch vụ. Xử lý nghiêm những cá nhân và tổ chức tuỳ tiện đặt ra các quy định trái pháp luật, trái thẩm quyền, gây phiền hà, khó khăn cho các đơn vị, tổ chức và người dân.

TS Tạ Ngọc Hải, Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ cho rằng cần nhận thức đúng bản chất và mục tiêu xã hội hoá dịch vụ công trong nền kinh tế thị trường để khuyến khích phát triển xã hội hoá dịch vụ công, coi đây là một trong những giải pháp chủ yếu để huy động mạnh mẽ các nguồn lực và năng lực xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu và lợi ích của nhân dân, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Việc chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội, chủ thể khác cung ứng thay vì bị động như hiện nay, chuyển qua chủ động thực hiện cung ứng theo cơ chế thị trường. 

Tô Hội

Tô Hội

BẢN DESKTOP