Bình luận

Dịch giả Lê Quang: Hội đồng chấm giải Chim ưng và chàng đan sọt hình như ngủ gật

Tiểu thuyết Chim ưng và chàng đan sọt có những đoạn rẻ tiền và hạ cấp, ngôn ngữ không chỉ tục tĩu mà ngô nghê như sách cấp ba. Tiếc cho chừng ấy cây rừng bị thành giấy lộn. Tiếc cho cả một hội đồng chấm giải hình như ngủ gật”, dịch giả Lê Quang chia sẻ.

Dịch giả Lê Quang.

Ngôn ngữ tục tĩu như sách cấp ba 

Thưa dịch giả, cuốn tiểu thuyết Chim ưng và chàng đan sọt vừa qua đã khiến dư luận “dậy sóng” vì một số cảnh làm tình giữa hai nhân vật Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy. Ông đánh giá như thế nào về tác phẩm này cũng như các đoạn “nhạy cảm” đó?

Tôi cho rằng, bước vào lãnh địa sáng tác, ai chả muốn gây sự chú ý cho đứa con tinh thần của mình, chứ dại gì bơi xuôi dòng như bọt bèo quán tính? Bùi Việt Sỹ có lẽ cũng nghĩ như vậy khi chọn cách gây hấn, mà cách gây hấn hữu hiệu nhất là bắn viên đạn súng lục vào những giá trị được xã hội im lặng nhất trí công nhận, biết đâu gặp may mà nhận lại viên đại bác? Và ông đặc biệt nhắc đến Trần Khánh Dư trong mấy chi tiết rất “kém thiêng”. Nhưng thực sự nó rất rẻ tiền và hạ cấp, ngôn ngữ không chỉ tục tĩu mà ngô nghê như sách cấp ba loại bốn.

Bìa cuốn sách Chim ưng và chàng đan sọt.

Khi trả lời báo chí, tác giả Bùi Việt Sỹ có nói rằng, trong Chim ưng và chàng đan sọt, nhân vật Trần Khánh Dư được ông xây dựng rất “đời” chứ không khô khan, uy nghi và lý tưởng như trong chính sử. Và theo tôi được biết,“giải thiêng” cũng là thủ pháp nghệ thuật không ít các nhà văn đã dùng?

“Giải thiêng” hiểu theo nghĩa gốc là sự làm mất hay xóa bỏ tính thiêng liêng của một đối tượng nào đó; khiến cho hình tượng mất đi hào quang huyền thoại và tôn nghiêm như người đọc đang chờ đợi. Khi các nhà văn sử dụng thủ pháp “giải thiêng”, thì lịch sử không chỉ thu gọn trong những biến cố, sự kiện, nhân vật qua cái nhìn ngưỡng vọng, chiêm bái, một chiều mà đã được biến thành “đời thường”. Điều đó khiến độc giả chú ý.

Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ “đời thường” không đồng nghĩa với tùy tiện cẩu thả trong câu chữ. Tôi hoàn toàn không phản đối miêu tả làm tình, nhưng tôi không nhịn được cười vì cách viết ngô ngọng.

“Tôi rất tâm đắc với câu nói nổi tiếng của A. Dumas là: Lịch sử chỉ là cái đinh để nhà văn treo bức tranh của mình”, nhà văn Bùi Việt Sĩ nói. Theo đó, bức tranh chính là sự tưởng tượng của người nghệ sĩ, và họ có quyền thoải mái sáng tạo, hư cấu. Ông suy nghĩ gì về điều này?

Hư cấu khác với non tay. Trong Chim ưng và chàng đan sọt có những đoạn rẻ tiền và hạ cấp. Ví dụ như: “Rồi chẳng cần giường chiếu, với sức khỏe của một võ tướng đang ở tuổi sung mãn nhất, Khánh Dư lúc đẩy mông Thái Thụy ra, lúc dập mông công chúa vào tạo nên một nhịp điệu đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Công chúa Thái Thụy rú lên sung sướng theo nhịp đôi đơn giản đó. Lúc cao trào nhất đôi tay Khánh Dư đưa ra, ập vào dồn dập như người đẩy cối xay lúa,”… ngôn ngữ như tôi đã nói không chỉ tục tĩu mà còn ngô nghê.

Trang sách có những chi tiết miêu tả cảnh làm tình của nhân vật gây tranh cãi.

Viết cổ tích hay lịch sử thì phải chọn một ngôn ngữ cho hợp với bối cảnh, chứ “nhịp điệu đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả” có lẽ cách nói của vài trăm năm sau. Và tôi cũng không rõ vì sao công chúa Thiên Thuỵ bỗng dưng có tên Thái Thuỵ? Hay đây là làm tình tay ba?

Có lẽ ai đó đã quá thịnh tình với tác phẩm để “hô hấp nhân tạo” cho nó từ giải B 2015 lên giải C 2018! Thật tiếc cho cả một hội đồng chấm giải hình như ngủ gật.

Sex… tùy văn hóa

Có ý kiến cho rằng, trong văn chương nước ngoài, không thiếu những cảnh làm tình “trần trụi”, với sự miêu tả “đời” nhất. Ông có cho rằng, chúng ta vẫn còn giữ con mắt khắt khe với đề tài này trong văn học hay không?

Ở một xã hội còn ít nhiều chịu ảnh hưởng rơi rớt của Nho giáo như Việt Nam, muốn hay không cũng phải thừa nhận một số nếp nghĩ đã thành thâm căn cố đế. Tuy nhiên, không phải cứ ở nước ngoài là “thoải mái” như mọi người nghĩ. Ví dụ tác giả Haruki Murakami, với tác phẩm Rừng Nauy nổi tiếng, ở Nhật, lại bị chính người dân Nhật “hắt hủi”.

Văn học Nhật, như ta biết, rất coi trọng miêu tả tình dục (sex), nhưng là tình dục… kiểu Nhật. Người Nhật có mối quan hệ rất tự nhiên với tình dục và thể hiện tình dục trong nghệ thuật, song họ thường chỉ thưởng lãm tình dục trong bốn bức tường riêng tư. Ai qua Nhật sẽ thấy vô số tạp chí khiêu dâm bán đầy hiệu sách, song ở đó cũng thuê một đội quân các cụ về hưu, chuyên dùng bút đen để tô đè lên các bộ phận nhạy cảm.

Cuốn tiểu thuyết Rừng Na uy nổi tiếng của nhà văn Haruki Murakami cũng có nhiều cảnh “nóng” giữa các nhân vật.

Còn ở châu Âu thì sao, thưa ông?

Tác giả người Áo, Elfriede Jelinek, Nobel Văn chương 2004 cũng chịu số phận tương tự. Tôi nhớ có lần ở Vienna, khi mua sách của bà sau giải thưởng lớn, người bạn Áo của tôi ân cần dặn: “Tốt nhất là mày đừng khoe thích Jelinek, mà cũng đừng mở sách bà ấy đọc trên máy bay, kẻo người ta ghét lây mày đấy!”.

Như vậy là không phải cứ nước ngoài thì tình dục trong văn chương “cởi mở”, được chào đón, thưa ông?

Theo tôi, nó cũng tùy thuộc vào nét văn hóa riêng của từng dân tộc vậy. Nhưng không thể phủ nhận hai cây bút đình đám trên là ví dụ cho thành công văn chương nhờ một phần, đưa sex lên giấy. Tuy nhiên, nếu họ chỉ viết đơn thuần miêu tả những chuyện tục tĩu, dùng sex để câu khách thì chắc chắn không thể thành công được. Và không thể đem Chim ưng và chàng đan sọt ra so sánh được, vì đơn giản là nó quá kém.

Viết “dâm thư” cũng là thủ pháp văn chương

Vậy sự khác biệt đem đến thành công ở đây là gì, thưa ông?

Ở đây chính là nghệ thuật. Viết “dâm thư” cũng là thủ pháp văn chương. Văn học Việt Nam đã thoáng hơn, sex không phải đề tài cấm kỵ nữa, kể cả khi viết về nhân vật lịch sử. Ví dụ trong “Phẩm tiết” Quang Trung, Nguyễn Ánh “dâm” với nàng Vinh Hoa, thế nhưng, Nguyễn Huy Thiệp viết rất nhân văn, chứ không phải như Chim ưng và chàng đan sọt. Viết về sex để câu khách lại càng phải cao tay.

Điều này, nó còn phụ thuộc cả vào tài năng của tác giả nữa, đúng không, thưa ông?

Tôi cho rằng, cái gì cũng cần phải học. Tựa như trong nhiếp ảnh, hay trong điêu khắc. Tại sao cùng là chụp ảnh khỏa thân, nhưng có tác phẩm lại chỉ là khiêu dâm, có tác phẩm lại là kiệt tác? Viết về sex tưởng là dễ, nhưng mà lại rất khó. Sex là gia vị của cuộc sống, nhưng nêm sai liều lượng hay sai chỗ sẽ tạo ra món món hổ lốn. Trong tác phẩm nói trên, đơn giản là những đoạn thô lậu đã phản lại ý đồ dường như rất tốt của tác giả.

Giả sử nếu viết về sex một cách nghệ thuật như ông nói, thì chúng ta cũng nên có cái nhìn cởi mở, 

“Rừng Na Uy” bản dịch đầu tiên ra tiếng Việt bị xén tỉa sạch sẽ và suýt rơi tõm vào thùng rác với dấu ấn dâm thư” – đó là cách xử lý của thời bấy giờ. Ta có thể đồng tình hay phản đối, nhưng bản thân sex không xấu. Trên thế giới, các tác phẩm hiện đại cũng vẫn viết về sex như một cách giải phóng vô thức, giải phóng về giới sau cả ngàn năm bị bó buộc với những định kiến của đạo đức, văn hóa trung cổ.

Trong văn học Việt Nam, thơ Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm… cũng có sex như một sự vùng vẫy, thể hiện khát vọng tự do ra khỏi những khuôn khổ trói buộc… Vấn đề ở đây không phải là viết về cái gì mà viết như thế nào.

Thủ pháp, nói cho cùng là mẹo dẫn cơm, để dụ người đọc vào bữa tiệc văn chương thịnh soạn. Thức ăn dở đã đáng trách, mẹo dẫn cơm dở thì lại càng không bao giờ đáng được gọi là thủ pháp viết văn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cuốn tiểu thuyết Chim ưng và chàng đan sọt của nhà văn Bùi Việt Sỹ được trao giải C Sách hay quốc gia đang bị phản ứng dữ dội vì có nhiều chi tiết tả cảnh sex của nhân vật Trần Khánh Dư khá thô tục. Trả lời báo chí, ông Hoàng Vĩnh Bảo, thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, trưởng Ban giám khảo giải Sách hay quốc gia 2018 cho biết ông đã nắm được thông tin dư luận phản ứng về cuốn sách này.

Ông đã giao cho các đơn vị thẩm định lại những thông tin về các chi tiết sex trong cuốn sách Chim ưng và chàng đan sọt. Nếu cảm thấy không đảm bảo có thể thu hồi lại giải thưởng.

Mai Loan (thực hiện)

BẢN DESKTOP