Y học và đời sống

Đỉa bám chặt cổ họng người đàn ông và những vụ khó tin nhưng... có thật

  • Tác giả : Thu Hương (T/H)
Sau nhiều ngày đau đầu, mệt mỏi, nôn, không ăn được, bệnh nhân đến bệnh viện khám và được bác sĩ gắp từ thanh quản ra một con đỉa dài khoảng 4cm...

Chuyện khó tin nhưng lại có thật

Chiều 26/6, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, bệnh nhân nam 39 tuổi bị đỉa chui vào cuống họng đã được các bác sĩ điều trị thành công.

Hình ảnh con đỉa sống trong cổ họng người bệnh.

Hình ảnh con đỉa sống trong cổ họng người bệnh.

Gia đình cho biết, khoảng 2 tháng nay, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, mệt mỏi, nôn, không ăn được đã tự dùng thuốc nhưng không đỡ nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng điều trị.

Tại bệnh viện, bệnh nhân đã được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, trong đó có nội soi tai - mũi - họng. Các bác sĩ phát hiện trong thanh quản bệnh nhân có dị vật là một con đỉa còn sống đang bám vào thanh, khí quản.

ThS.BS Bùi Thị Minh Châu, Phụ trách Khoa Tai mũi họng đã phối hợp cùng kíp Khoa Gây mê hồi sức tiến hành nội soi gây mê. Trong quá trình nội soi, các bác sĩ gắp ra một con đỉa no máu, dài khoảng 4cm. Ngay sau khi gắp được dị vật ra, bệnh nhân đã hết các triệu chứng ngứa ngáy và khó thở, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Đây không phải lần đầu xảy ra vụ việc hy hữu đỉa ký sinh trong cơ thể người.

Trước đó, tháng 8/2022, các bác sĩ Bệnh viện khu vực Bắc Quang (Hà Giang) gắp thành công một con đỉa dài khoảng 8 cm sống suốt 1 tháng trong khí quản của nam thanh niên 15 tuổi.

Bệnh nhân T.V.T (15 tuổi, trú tại xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang) đau ngực, đau họng cách đây 1 tháng mà không tìm được nguyên nhân, mặc dù đã dùng đủ các loại thuốc nhưng tình trạng không cải thiện.

Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quang, sau khi thăm khám các bác sĩ phát hiện có "dị vật sống" là một con đỉa trong khí quản bệnh nhân. Ê-kíp đã nhanh chóng gắp con đỉa ra khỏi khí quản bằng phương pháp sử dụng nội soi khí phế quản ống mềm. Trong quá trình nội soi, do con đỉa di chuyển trong đường thở nên khó tiếp cận.

Kết quả sau khi thực hiện thủ thuật, dị vật gắp ra là một con đỉa còn sống dài khoảng 8cm, to gần bằng ngón tay út của người trưởng thành.

Một trường hợp hy hữu khác, vào cuối tháng 1/2019, các bác sĩ Trung tâm Khám chữa bệnh chất lượng cao, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng gắp con đỉa dài gần 10 cm, to bằng ngón tay trong khí quản bệnh nhân Hà Văn H. (ở Phú Thọ).

Khoảng 1 tháng trước khi vào viện, anh H. ho nhiều về đêm, khó thở, có lúc ho khạc ra máu. Bệnh nhân đã đi khám ở nhiều cơ sở y tế khác và được chẩn đoán viêm phế quản, uống thuốc nhiều nhưng không đỡ, những cơn khó thở càng trở nên dữ dội hơn.

Khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ nội soi phát hiện trong thanh quản bệnh nhân có dị vật sống di chuyển trong đường thở. Các bác sĩ đã quyết định gắp dị vật sống ra bằng phương pháp nội soi gây mê và đã gắp con đỉa trâu ra ngoài. Con đỉa dài gần 10 cm, to bằng ngón tay được gắp ra khỏi khí quản bệnh nhân.

Bác sĩ khuyến cáo

Theo các bác sĩ, đỉa suối là vật sống có thể di chuyển từ mũi, miệng xuống thanh quản, khí quản của người bệnh trở thành dị vật. Đỉa sống trong đường thở của người bệnh trong thời gian dài và có thể di chuyển lên trên thanh quản hoặc xuống dưới khí phế quản, gây ra các triệu chứng ho theo cơn, khàn tiếng, khạc nhổ ra máu, khó thở. Tại vị trí vật hút bám, gây ra chảy máu kéo dài, khó đông máu nguy hiểm đến tính mạng.

Các bác sĩ cho biết, con đỉa, con vắt khi mới chui vào cơ thể theo đường nước vào mũi, họng thường có kích thước bé, nhưng khi vào cơ thể một thời gian ngắn, chúng sẽ hút máu và phát triển rất nhanh.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước không đảm bảo ở các khe suối để uống, sinh hoạt, đề phòng đỉa, vắt chui vào người. Khi có bất kỳ biểu hiện nào bất thường về sức khỏe, nên đi khám sớm tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Vài dấu hiện bị đỉa ký sinh

Đỉa sống ở dưới nước, chui vào cơ thể khi người uống nước. Hoặc chui vào đường tiết niệu, sinh dục do ở lâu dưới nước.

Nếu đỉa bám vào thanh quản, bệnh nhân ho liên tục, đờm có chất nhầy lẫn máu, bị đau ngực, khó thở, nói khàn giọng, tím tái, đôi khi mất tiếng nói.

Nếu đỉa ký sinh ở hầu, khí quản sẽ gây ngạt thở, có thể dẫn đến tử vong.

Nếu đỉa ký sinh ở lưỡi gà, thực quản sẽ gây nuốt khó, nôn oẹ.

Đỉa có thể chui vào chỗ kín của phụ nữ gây chảy máu kéo dài, hoặc chui vào đường sinh dục của nam giới gây chảy máu đường tiết niệu.

Khi đỉa chui vào mắt gây chảy máu ở mắt; người bệnh sợ ánh sáng, chảy nhiều nước mắt.

Thu Hương (T/H)

BẢN DESKTOP