Khoa học & Công nghệ

Di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn sắp được trả lại nguyên trạng

  • Tác giả : Thanh Bình
Quốc Tử Giám triều Nguyễn phản ánh đầy đủ diện mạo của một trường đại học thời phong kiến, là sự minh chứng cho tư tưởng coi trọng việc học hành của thời Nguyễn nói riêng và các triều đại Việt Nam nói chung.
Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đang tiến hành di dời các hiện vật trưng bày ở di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn (đường 23 tháng Tám, thành phố Huế) đến trụ sở mới, trả lại nguyên trạng di tích này cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý.
Sau khi toàn bộ hiện vật ở Bảo tàng được di dời đến địa điểm mới ở 268 Điện Biên Phủ, di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn sẽ được bàn giao lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý để tiến hành trùng tu, phát huy giá trị.
Trường Đại học quốc gia dưới thời nhà Nguyễn
Theo các sử liệu của nhà Nguyễn, vào tháng 8/1803, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đã cho xây dựng một trường học mang tính quốc gia với tên gọi là Đốc Học Đường (hay Quốc Học Đường) tại An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách Kinh thành khoảng 5km. Trường nằm bên cạnh Văn Miếu, mặt hướng ra sông Hương. Đây chính là tiền thân của Quốc Tử Giám triều Nguyễn.
Dưới thời vua Gia Long, quy mô kiến trúc của trường còn nhỏ, chỉ gồm một tòa chính ở giữa và hai dãy nhà hai bên, dùng làm chỗ để quan Chánh, Phó Đốc Học giảng dạy. Sang thời vua Minh Mạng, quy mô của trường được phát triển to lớn hơn. Tháng 3 năm 1820, vua Minh Mạng đổi tên trường thành Quốc Tử Giám. Năm 1821, vua cho dựng tòa Di Luân Đường, một tòa giảng đường và hai dãy nhà học hai bên Di Luân Đường, mỗi dãy 19 gian phòng học, làm chỗ cho sinh viên đọc sách, làm bài. Đến đầu thời Tự Đức, năm 1848, trường được xây thêm một tòa nhà 9 gian, xung quanh có tường gạch bao bọc và hai dãy cư xá, mỗi bên 2 gian cho sinh viên. Trường cũng mở thêm 2 cửa nhỏ hai bên để sinh viên tiện ra vào.
Kham pha di tich quan trong o Hue sap duoc tra lai nguyen trang
Toàn cảnh di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn ở Huế. Ảnh: Quốc Lê.
Năm 1854, trong một lần tới thăm trường vua Tự Đức đã làm một bài văn và một bài thờ gồm 14 chương để răn dạy và khuyến khích sinh viên học hành. Toàn bộ trước tác này đã được khắc vào một tấm bia đá thanh lớn, dựng trước sân trường. Về sau, trường Quốc Tử Giám nhiều lần bị hư hỏng nặng do thiên tai, nhất là cơn bão năm Giáp Thìn (1904). Nhưng sau mỗi lần bị hư hỏng, trường đều được phục hồi.
Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành, bên ngoài, phía đông nam Hoàng thành (vị trí hiện nay) để tiện việc đi lại của vua và các quan Kiêm quản đại thần. Quy mô của trường lúc ấy gồm có: chính giữa là Di Luân Đường; hai bên là hai dãy phòng học; trước mặt là hai dãy cư xá của sinh viên; phía sau trường, ở giữa là tòa Tân Thơ Viện, hai bên là nhà ở của quan Tế Tửu, Tư Nghiệp (hiệu trưởng, hiệu phó) và các viên chức khác.
Năm 1923, Tân Thơ Viện trở thành Bảo Tàng Khải Định (Musée Khải Định, ngày nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) nên trường Quốc Tử Giám phải lập một thư viện mới mang tên Thư Viện Bảo Đại ở phía sau Di Luân Đường. Từ đó đến tháng 8/1945, thời điểm Quốc Tử Giám chấm dứt vai trò lịch sử của mình, kiến trúc của trường hầu như không thay đổi.
Các nhà nghiên cứu đánh giá, về mặt lịch sử, Quốc Tử Giám triều Nguyễn ở Huế là di tích phản ánh đầy đủ diện mạo của một trường đại học thời phong kiến, là sự minh chứng cho tư tưởng coi trọng việc học hành của thời Nguyễn nói riêng và các triều đại Việt Nam nói chung. Hơn 200 năm tồn tại, Quốc Tử Giám đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo những nhân tài cho đất nước. Trong số hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn, có nhiều vị đã từng dùi mài kinh sử tại ngôi trường này.
“Báu vật” kiến trúc của Cố đô Huế.
Về mặt kiến trúc, Quốc Tử Giám Huế được coi là một di tích “độc hiếm” của kiến trúc cung đình thời Nguyễn.
Công trình có giá trị nổi vật của Quốc Tử Giám triều Nguyễn là tòa Di Luân Đường, một tòa nhà có sự pha trộn giữa kiến trúc "đường" và "các" rất đặc biệt của thời Nguyễn. Di Luân Đường có kiến trúc gần tương tự tòa Thái Bình Lâu ở bên trong Tử Cấm Thành, nhưng quy mô lớn hơn và hình thức phức tạp hơn nhiều. Về tổng thể, đây là một tòa nhà hai tầng, tầng dưới kiểu nhà kép gồm một căn nhà ba gian hai chái nối với một căn nhà một gian. Tầng hai là một căn nhà vuông kiểu một gian bốn chái. Bốn mặt công trình đều có ba hệ thống bậc cấp, mỗi hệ thống gồm 5 bậc. Riêng ở phía Nam và phía Bắc, hệ thống bậc chính giữa rộng hơn và hai bên chạm hình rồng thành bậc. Các hệ thống bậc cấp còn lại chạm hình giao khá đơn giản. Mái Di Luân Đường chia làm hai tầng, phần lớn được lợp bằng ngói âm dương tráng men vàng. Riêng mặt Đông, Tây và phần mái lưa chạy bao quanh bên dưới của mái hạ lợp bằng ngói liệt chiếu.
Kham pha di tich quan trong o Hue sap duoc tra lai nguyen trang-Hinh-2
Tòa Di Luân Đường ở di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn. Ảnh: Quốc Lê.
Di Luân Đường cũng là một công trình có giá trị rất cao về mặt nghệ thuật trang trí. Toàn bộ hệ thống cổ diêm của mái hạ và bờ nóc đều được chia thành các ô hộc để trang trí. Các mô típ trang trí đều là các mô típ truyền thống Huế, chủ yếu là bát bửu, hoa lá. Vật liệu trang trí là mảnh sành sứ và màu nước. Màu sắc phần nền các ô hộc liền kề nhau dùng nguyên tắc tương phản để làm nổi bật.
Hai bên Di Luân Đường có hai dãy nhà dài dùng làm phòng học của học sinh trường Quốc Tử Giám. Cả hai khu nhà học đường được xây dựng theo phong cách kiến trúc thuộc địa, có trang trí thêm các họa truyền thống thường gặp ở Huế. Mặt trước công trình có ba hệ thống bậc cấp dẫn lên nền, trổ 5 cửa vòm dẫn vào phần hành lang, trong đó có ba cửa vòm lớn được đặt ở giữa, hai cửa vòm nhỏ hơn đặt ở gần hai đầu hồi. Phía trên đầu ba cửa vòm giữa được tạo hình ba chiếc cuốn thư, ở giữa đề ba chữ Hán: Quốc Tử Giám. Nhìn chung, đây là các công trình có sự pha trộn phong cách Đông – Tây khá độc đáo. Những thập niên gần đây, hai dãy nhà này được Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng làm nhà trưng bày hiện vật.
Kham pha di tich quan trong o Hue sap duoc tra lai nguyen trang-Hinh-3
Một dãy nhà phòng học ở di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn. Ảnh: Quốc Lê.
Vuông góc với hai tòa nhà trưng bày là hai dãy nhà kho. Giữa nhà kho và nhà trưng bày còn có nhà cầu kiểu 3 gian nối liền hai công trình. Các tòa nhà này cũng có những giá trị nhất định về kiến trúc và lịch sử vì chúng đều là hiện thân của một thời kỳ phát triển của kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 20.
Ở khu vực phía sau Quốc Tử Giám có tòa Tân Thư Viện, là thư viện của học sinh trường Quốc Tử Giám. Trước năm 1908, Tân Thư Viện là điện Long An trong cung Bảo Định của triều Nguyễn. Từ năm 1923, công trình trở thành Bảo tàng Khải Định và nay là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế.
Từ năm 1993, Quốc Tử Giám đã trở thành một bộ phận trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Nơi đây cũng đã được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 99/2004/QĐ-BVHTT ngày 15/12/2004 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là bộ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch).
Thanh Bình

BẢN DESKTOP