Khám phá

Di tích quốc gia đặc biệt về cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ

  • Tác giả : Thanh Bình
Nhân sự kiện tỉnh Quảng Ngãi lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, Khoa học & Đời sống xin được giới thiệu những nét chính về khu di tích cách mạng nổi tiếng này.

Quá trình công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ

Từ năm 1985, tượng đài kỷ niệm và nhà Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ được xây dựng bên cạnh địa điểm trước đây là sân vận động và đồn Ba Tơ. Các điểm di tích đều có bia bảng chỉ dẫn. Nhà ông Trần Quý Hai, nơi diễn ra cuộc họp của Tỉnh ủy mở rộng quyết định khởi nghĩa, đã được phục dựng.

Quần thể các địa điểm di tích về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận, xếp hạng và cấp Bằng di tích lịch sử- văn hóa quốc gia tại Quyết định số 92-VHTT/QĐ ngày 10/7/1980.

Tượng đài khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: Du Lịch Thanh Niên Ba Tơ.

Tượng đài khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: Du Lịch Thanh Niên Ba Tơ.

Năm 2010, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp cho Đội du kích Ba Tơ.

Tháng 8/2013, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận các xã Ba Vinh, Ba Giang, Ba Động, Ba Chùa, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ thuộc vùng An toàn khu của Trung ương ở Quảng Ngãi trong thời kỳ chống Pháp.

Ngày 25/12/2017, địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã được Thủ tướng ra Quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Căn cứ theo Hồ sơ di tích, Di tích này gồm 11 điểm di tích phân bố chủ yếu trên địa bàn các xã Ba Vinh, Ba Động, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ.

Cuộc khởi nghĩa chấn động cả nước

Lịch sử Việt Nam hiện đại ghi nhận khởi nghĩa Ba Tơ là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên trong cả nước nổ ra và giành thắng lợi.

Ngược dòng lịch sử, chớp thời cơ Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, đêm ngày 10/3/1945, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân tích tình hình và đề ra một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Hội nghị nhận định: “Tình thế cách mạng nhiều nơi trong tỉnh đã chín muồi, không thể bỏ lỡ thời cơ mà phải mạnh dạn tiến hành khởi nghĩa...”.

Trưa ngày 11/3/1945, tại Suối Loa, Ban lãnh đạo khởi nghĩa đã họp để xác định quyết tâm tiến hành khởi nghĩa cướp chính quyền ở Ba Tơ. Hội nghị đã phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa phụ trách địa bàn và nhanh chóng tập trung lực lượng tại Ba Tơ để tiến hành khởi nghĩa. Quần chúng từ khắp nơi nổi dậy làm chủ xóm làng và tham gia giành chính quyền ở châu lỵ Ba Tơ.

Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ngãi

Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ngãi

Chiều cùng ngày, từ các ngả đường, đồng bào Kinh - Thượng tay cầm giáo mác, dao, rựa, cờ đỏ sao vàng, giương cao biểu ngữ, kéo về sân vận động Ba Tơ tham dự mít tinh, nghe phát biểu của đại diện Tỉnh ủy và Mặt trận Việt Minh, hô vang các khẩu hiệu ủng hộ cách mạng.

Sau cuộc mít tinh, đội quân du kích gồm 17 đồng chí, cùng với quần chúng nhân dân nhanh chóng chiếm Đồn Khố xanh, Nha kiểm lý, buộc tên Tri châu Ba Tơ Bùi Danh Ngũ giao nộp toàn bộ vũ khí, giấy tờ, con dấu cho lực lượng khởi nghĩa. Chính quyền địch ở châu lỵ Ba Tơ nhanh chóng tan rã. Thừa thắng, lực lượng khởi nghĩa tiến đánh đồn Ba Tơ. Khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi.

Đến sáng 12/3/1945, UBND cách mạng lâm thời và Đội du kích Ba Tơ chính thức ra mắt, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng huyện Ba Tơ. Ban lãnh đạo khởi nghĩa đã thành lập Đội du kích Ba Tơ gồm 28 đội viên; làm lễ tuyên thệ tại bãi Hang Én với khẩu hiệu "Hy sinh vì Tổ quốc".

Phát huy thắng lợi của Khởi nghĩa Ba Tơ, Quảng Ngãi cũng là một trong những địa phương khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thanh Bình

BẢN DESKTOP