Khám phá

Di tích biến dạng sau trùng tu

  • Tác giả : Thanh Bình
Trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử xuống cấp là cần thiết nhưng phải giữ được giá trị, không can thiệp thô bạo, làm méo mó kiến trúc. Đáng tiếc, nhiều ngôi đền đã biến dạng sau trùng tu, tôn tạo.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn trả lời các kiến nghị của cử tri nhiều tỉnh thành liên quan công tác bảo tồn, duy tu, bảo dưỡng di tích.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, thực tế, bên cạnh những kết quả tích cực trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, việc thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích tại một số địa phương còn hạn chế.

Đó là không thực hiện đúng nội dung được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thẩm định, còn xảy ra tình trạng tu bổ, tôn tạo di tích theo kiểu "hiện đại hóa", làm biến dạng, sai lệch, mất yếu tố gốc, giá trị của di tích; vi phạm khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích ảnh hưởng cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của di tích; chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục dẫn đến việc vi phạm trong bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Trước đó, câu chuyện trùng tu làm di tích biến dạng, mất yếu tố nguyên bản đã xảy ra ở nhiều nơi, khiến dư luận bức xúc.

Cầu cổ thành cầu “mới toanh”

Cầu ngói chợ Thượng là di tích lịch sử nằm tại thôn Thượng Nông (xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Cầu được xây dựng từ thời Hậu Lê, với sự đóng góp công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, cung phi của chúa Trịnh và cũng là người con gái làng Thượng Nông. Là một trong những cây cầu ngói cổ đẹp nhất Việt Nam, công trình được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 2012.

Do cầu bị xuống cấp, UBND xã Bình Minh cho tu sửa. Năm 2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch duyệt hỗ trợ 200 triệu đồng tu sửa để thay ngói, rui, mè cũ. Người dân thấy một số hạng mục vẫn bị xuống cấp nên huy động đóng góp và làm mới một số chi tiết của di tích.

Tuy nhiên, đơn vị tu sửa được thuê đã trát lại vuông phẳng, sơn mới màu giả đá lên toàn bộ phần cổng cầu Ngói chợ Thượng, làm biến mất toàn bộ phần hoa văn độc đáo, nét rêu phong, cổ kính của cây cầu cổ kính này.

Được báo cáo về vụ việc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định yêu cầu các đơn vị liên quan phục hồi công trình theo nguyên mẫu.

Cầu ngói chợ Thượng khi đang được trùng tu. Ảnh: Tạp chí Kiến trúc.

Di sản thành… củi đun

Tọa lạc ở xã Liên Bạt (huyện Ứng Hoà, Hà Nội), đình Lương Xá hơn 300 năm tuổi, có kiến trúc cổ kính và những mảng chạm khắc tinh xảo trên gỗ quý. Điểm đặc biệt của ngôi đình này là hình thức chạm khắc rất lạ như hình con mèo ngoạm cá, rất hiếm hoi trong tạo hình điêu khắc đình làng, được làm từ thời Lê Trung Hưng. Đây là di tích lịch sử, được xếp hạng, một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc đẹp của Việt Nam.

Hưởng ứng lời kêu gọi của địa phương, năm 2018, ngôi đình được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn tiền xã hội hóa. Đáng nói là sau khi trùng tu, từ cổ kính, nguyên sơ, đình Lương Xá biến thành khối xi măng cốt thép. Toàn bộ cấu kết kiện gỗ chạm khắc thời Lê Trung Hưng bị biến thành củi đun.

Sự việc này vỡ lở, các ban, bộ, sở, ngành cùng nhà khoa học, Viện Bảo tồn Di tích, Sở Quy hoạch kiến trúc… phải cố công khắc phục, nhưng không thể đưa ngôi đình thể trở về với dáng vẻ ban đầu.

Cấu kiện gỗ bị thay bằng bê tông khi trùng tu đình Lương Xá. Ảnh: Lại Tấn.

Sơn màu lòe loẹt lên kiệt tác nghệ thuật cổ

Đình Văn Xá - một trong những ngôi đình cổ kính nhất của tỉnh Hà Nam - nằm ở xã Đức Lý, huyện Lý Nhân. Ngôi đình này nổi tiếng nhờ những mảng chạm khắc đặc trưng kiến trúc của thế kỷ 17-18. Các tác phẩm thể hiện hoạt cảnh nghê, rồng, phượng… rất sinh động với kỹ thuật chạm trổ khắc tay tinh xảo của nghệ nhân thời xưa.

Đáng buồn là năm 2019, sau khi được kêu gọi sơn sửa, những người thợ trùng tu tự ý sơn màu đỏ chót lên những mảng chạm vô giá, nhiều chi tiết trang trí không còn nhận diện được.

Giới chuyên môn đã cố gắng khắc phục, nhưng không thể nào trả lại màu sắc thâm trầm của thời gian cho những tác phẩm nghệ thuật của đình Văn Xá.

Cấu kiện gỗ của đình An Xá bị sơn đỏ. Ảnh: Báo Nhân Dân.

“Trẻ hóa” di tích lâu đời

Nằm bên bờ sông Ngũ Huyện Khê, cụm quần thể di tích đình, chùa phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, từ lâu được biết đến là di tích mang nét văn hóa chung của vùng châu thổ sông Hồng, vừa có dáng dấp của xứ Kinh Bắc.

Đình được khởi công xây dựng thời Hậu Lê, trải qua bao mưa nắng thời gian vẫn uy nghiêm, trầm tĩnh, hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên và con người nơi đây.

Thế nhưng, một cuộc trùng tu “thảm họa” diễn ra năm 2019. Ngôi đình bị làm mới gần như toàn bộ cấu kiện gỗ. Nhiều mảng chạm cổ tinh xảo phong phú, thanh nhã khi xưa còn tốt đã bị thay mới gần hết, nhường chỗ cho hoa văn có phần thô cứng do tay nghề thấp, không thể mang được hồn dáng xưa.

Mái đình đỏ au, bóng loáng nhờ ngói công nghiệp thay thế cho mái ngói cổ rêu phong khoác màu thời gian. Nhìn ngôi đình “khoác áo mới”, nhiều người không khỏi tiếc nuối.

Đập cổng cũ rêu phong, xây cổng mới bóng bẩy

Nằm ở xã Thanh Hải (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), đền An Liệt hình thành từ thời Hậu Lê, kiến trúc hiện tại có từ thời Nguyễn. Đền được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1995. Gần đây, công trình được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn tiền xã hội hóa.

Sau khi trùng tu, tôn tạo, cổng đền (nghi môn) cổ kính, có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử của đền bị phá bỏ hoàn toàn. Một cánh cổng mới xuất hiện với quy mô bề thế, rực rỡ và bóng bẩy. Khánh thành đầu năm 2023, công trình này bị nhiều người coi là xa lạ, và sai lệch nhiều so với nguyên gốc.

Thanh Bình

BẢN DESKTOP