Mới đây, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận bé N.A.Q (13 tuổi) ở huyện Phù Ninh trong tình trạng kích thích, khó thở, đau tức ngực, rét run, tím tái môi và các đầu ngón tay, chân; có nhiều vết trầy xước da trên khắp cơ thể sau khi bị đuối nước.
Theo chia sẻ của gia đình, khoảng 2 giờ trước khi vào viện, cháu Q đi tắm ở hồ nuôi cá gần nhà, bị đuối nước và được người dân cứu lên bờ trong tình trạng hôn mê.
Người bệnh ngay lập tức được thực hiện các biện pháp hồi sức tích cực, được chụp X-quang và siêu âm tại giường. Kết quả, chẩn đoán suy hô hấp biến chứng ARDS do đuối nước. Người bệnh được thở oxy dòng cao, điều trị kháng sinh và corticoid. Sau điều trị, người bệnh đã tỉnh táo hoàn toàn, các chỉ số ổn định, được cai thở oxy và được ra viện sau đó 5 ngày.
Theo ThS.BS Nguyễn Đức Lịch, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, đây là một trường hợp sau đuối nước có các triệu chứng suy hô hấp điển hình, may mắn được đưa vào bệnh viện sớm nên đạt được hiệu quả điều trị tốt.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp người bệnh không may mắn như vậy do việc hồi sức cấp cứu ban đầu không đúng cách, hoặc có những trường hợp người bệnh tỉnh, có triệu chứng như trên nhưng gia đình chủ quan không đưa đến bệnh viện sớm nên để lại những hậu quả đáng tiếc.
Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu ôxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động, khiến trẻ nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê, tim chậm dần rồi ngừng hẳn. Thời gian vàng để cấp cứu trẻ đuối nước là từ 0 – 4 phút từ lúc trẻ rơi vào nước, việc sơ cứu ban đầu đúng cách sẽ giúp tăng cơ hội điều trị.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người khi thấy trẻ bị đuối nướclại vội vàng dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy. Đây là hành động hoàn toàn sai lầm vì không chỉ làm lỡ thời gian hô hấp nhân tạo cho nạn nhân, gây nguy cơ tử vong mà còn có thể gây ra di chứng não nếu người bệnh được cứu sống.
Nguyên nhân là do khi bị ngạt nước, nước ở trong phổi sẽ được tống ra ngoài thông qua hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và người bệnh thở trở lại. Nếu không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não, dẫn đến các di chứng ở não.
Do đó, khi gặp người bị đuối nước cần xử trí khẩn trương, kiên trì, ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp, sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
5 bước cấp cứu trẻ bị đuối nước và những sai lầm cần tránh
Ảnh BVCC |
Để phòng tránh đuối nước ở trẻ em cần chú ý:
• Không để trẻ đi tắm, bơi ngoài sông, suối, ao hồ mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
• Không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu, hố vôi đang tôi để tránh bị ngã, rơi xuống hố.
• Dạy trẻ tập bơi
• Trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, cách nhận biết khu vực nước sâu, nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi.
Đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được từ sự quan tâm và hành động thiết thực của mỗi gia đình, bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, các đoàn thể xã hội và nhà trường nhằm xây dựng môi trường an toàn cho trẻ, đồng thời quan tâm giáo dục về các kỹ năng phòng chống đuối nước cho người dân, đặc biệt là trẻ em, học sinh.
Phối hợp đa chuyên khoa cứu sống người bệnh vết thương thấu bụng do ngã vào thanh sắt đâm xuyên từ lưng ra bụng