Thời sự

Đi sinh mới biết tiền sản giật nguy hiểm

  • Tác giả : Thúy Nga
Trong quá trình mang thai sản phụ không đi khám và siêu âm thai lần nào nên không biết mang bệnh lý tiền sản giật đe dọa tính mạng cả mẹ và con.

Do nhiều lý do mà trong suốt quá trình mang thai sản phụ không đi khám, quản lý thai nghén lần nào nên không biết ngày dự kiến sinh và đang mang bệnh lý tiền sản giật. Chỉ khi đến khi có dấu hiệu sinh, sản phụ mới đến viện và phát hiện mắc tiền sản giật. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của cả sản phụ và thai nhi.

Đó là trường hợp của sản phụ B.T.H. 33 tuổi (Thủy Nguyên - Hải Phòng). Sản phụ vào Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí khi thai 9 tháng đẻ lần 3, vết mổ đẻ cũ 2 lần. Sản phụ nhập viện trong tình trạng phù 2 chi dưới, huyết áp cao 170/100mmHg, có dấu hiệu chuyển dạ, cổ tử cung mở 4cm, cơn co tử cung rõ tần số 2-3. Trên kết quả xét nghiệm nước tiểu có protein niệu 3+.

Đi sinh mới biết tiền sản giật nguy hiểm ảnh 1

Đi sinh mới biết tiền sản giật nguy hiểm

Sản phụ được chẩn đoán: Tiền sản giật nặng/thai 9 tháng chuyển dạ/vết mổ đẻ cũ 2 lần. Sản phụ được xử trí thuốc hạ áp, chống co giật, chuyển mổ cấp cứu. Bé gái 3.620 gram, hồng hào, khóc to. Sau phẫu thuật sức khỏe 2 mẹ con ổn định và đã được xuất viện.

Được biết trong quá trình mang thai sản phụ không đi khám và siêu âm thai lần nào nên không biết ngày dự kiến sinh và đang mang bệnh lý tiền sản giật.

Tiền sản giật là bệnh lý liên quan đến thai nghén ở phụ nữ, là một hội chứng bệnh lý thai nghén toàn thân do thai nghén gây ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ (từ tuần thứ 20) với 3 triệu chứng chính: Tăng huyết áp, protein niệu và phù.

Bệnh có thể gây biến chứng ở nhiều cơ quan và nguy hiểm đến tính mạng cho mẹ, thai nhi nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Vì vậy, mẹ bầu cần hiểu rõ về bệnh tiền sản giật để biết cách phòng tránh cũng như đến cơ sở y tế kịp thời khi có triệu chứng bất thường:

- Huyết áp cao

- Sưng (phù) nhiều, đặc biệt ở mặt, tay, chân

- Tăng cân đột ngột (hơn 2kg/ tuần)

- Buồn nôn, nôn, khó thở

- Chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu

- Thay đổi về thị lực: nhìn mờ, mất thị lực tạm thời…

- Đau bụng trên nhiều…

Qua đây các bác sĩ cũng khuyến cáo sản phụ có thai cần phải khám thai định kì theo các mốc khám thai quan trọng 3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối, để được các bác sĩ thăm khám toàn thân, đo huyết áp, làm các xét nghiệm máu, nước tiểu để kịp thời phát hiện sớm các bệnh lý tiền sản giật, đái tháo đường thai kì, tăng huyết áp, thiếu máu, rau tiền đạo… đảm bảo mẹ bầu có 1 thai kì khỏe mạnh, an toàn.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP