Khoa học & Công nghệ

Đi lễ chùa đúng cách

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Ngày xuân đi lễ chùa, tham dự các lễ hội… là một phong tục đẹp của người Việt. Song đi lễ như thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết.

Đừng cướp lộc, chen lấn, giành giật

TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp KHCN Tin học ứng dụng UIA, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, nhiều nơi vẫn còn tình trạng cướp lộc khi đi lễ . Người ta không hiểu rằng đó không thể gọi là “lộc Phật” mà chỉ là đồ dâng cúng của người trần. Các chư Phật vốn từ bi hỉ xả, không có cái văn hóa dẫn đạp cướp bóc ấy. Nếu người đi chùa có ý định cướp thì có thể gọi đó là “tâm ma”. Càng cướp nhiều thì ma quỷ càng đi theo nhiều. Tham, sân, si sẽ cuốn người ta theo.

Những thứ vật chất do người trần dâng cúng về bản chất chỉ là những đồ “lộc trần” chứ không có ý nghĩa mang lại cho người sở hữu sự may mắn hay công danh, tài vận. Nó giống như đến trường phải trả học phí, thì đồ dâng cúng cũng chỉ đơn giản là đồ dâng cúng. Coi đó là lộc Phật là hiểu sai về Phật. Lộc Phật chính là từ bi hỉ xả, sự giác ngộ, thanh tịnh trong tâm hồn. Còn tranh cướp nhau bằng lòng tham là đi ngược lại với triết lý của nhà Phật.

“Giống như việc đốt vàng mã, người ta cứ nghĩ đốt nhiều thì lộc nhiều. Đáng buồn là số người sai nhiều quá. Đâu phải vàng mã là tâm linh, đốt tiền vàng là cho người cõi trên dùng. Đốt vàng mã là mê tín. Đạo Phật không có đốt vàng mã. Nhiều nhà chùa đang làm mê tín hóa đạo Phật. Đốt vàng mã là biến tướng của đạo Phật. Nhiều người muốn phật tử đến chùa đông nên mới dung túng cho thói quen đốt vàng mã ấy. Nếu đốt bao nhiêu vàng mã là được “thụ lộc” bấy nhiêu thì người ta đốt nhiều lắm rồi và cũng giàu lắm rồi”, TS Vũ Thế Khanh cho biết.

Đi lễ chùa, đừng xin xỏ

Theo TS Vũ Thế Khanh, đi lễ cho lòng thanh tịnh. Đến chùa gặp được các chánh tăng tu hành đắc đạo, giảng các giáo lý về Phật pháp để phật tử được giác ngộ, đó mới là “lộc”. Đến chùa, không nên đốt vàng mã, đặc biệt là không xin xỏ. Mọi thứ là ở trong tâm mình. Nếu đức Phật cũng trục lợi, cứ ai đem lễ vật đến là ban lộc thì không còn là đức Phật từ bi nữa. Phật không nhận hối lộ, các hành động cúng lễ chỉ là hành động mê tín hóa đạo Phật. Và chắc chắn không nhất thiết phải đến chùa mới tu tỉnh được.  

“Tôi đi lễ quanh năm, không phải cứ vào dịp nào thì mới đi lễ chùa. Đi lễ là để nhắc nhở mình nhớ về những lời Phật dạy, để sống thành tâm, làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa. Đa phần những người đi lễ chùa hiện nay không phải là người đi lễ chùa theo chính đạo mà là tín ngưỡng đi lễ chùa để cầu xin để làm ăn gặp nhiều may mắn. Đó là tín ngưỡng, không phải theo đạo. Lễ chùa theo đạo là làm theo lời Phật dạy. Còn đi lễ hiện nay giống như đi du lịch cho vui”, TS Vũ Thế Khanh cho biết.

Đến chùa lễ Phật cũng là điều tốt, nhưng tốt hơn là hãy phát nguyện làm những điều lành, điều tốt cho đời, làm theo lời Phật dạy thì đó chính là đi về nơi tốt đẹp. Còn nếu đến chỉ để xin xỏ là xúc phạm cửa Phật. Phật vẫn phù hộ với người làm theo lời Phật dạy. Và có những người có thể không bao giờ đến chùa, nhưng trong lòng họ luôn hướng đến lời Phật dạy, luôn làm điều thiện thì vẫn tốt hơn người đến chùa mỗi ngày mà lại làm việc độc ác.

TS Vũ Thế Khanh chia sẻ: “Tôi có mấy chục năm nghiên cứu về thế giới tâm linh. Ở Trung tâm của tôi, từ rất lâu rồi, mọi người đều thống nhất không đốt vàng mã. Các linh hồn không nhận được những thứ mà chúng ta coi là vàng mã đốt đi đâu. Chúng ta đừng sa vào mê tín. Những điều về thế giới tâm linh đa phần là không nhìn thấy mà chỉ nghe và tin vô điều kiện. Có những thứ phản khoa học, không có cơ sở thực tế, phản cảm, gây ra những hệ lụy xấu thì phải bỏ. Người sống làm việc thiện, tu tích công đức, sống nhân nghĩa, có tình, giúp đỡ người nghèo khó… là cách tốt nhất để dâng cúng tổ tiên, ông bà. Các linh hồn không tiêu dùng vật chất, lại càng không bon chen, đua đòi điều kiện hưởng thụ, nên chúng ta hãy thoát ra khỏi vòng mê muội để làm những việc có ý nghĩa thiết thực hơn.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP