Dữ liệu y khoa

Đi khám đau lưng, phát hiện ung thư thận

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Nhiều người đau lưng tưởng do bệnh lý xương khớp, chữa trị mãi không khỏi đến khi đi khám thì phát hiện ra bệnh lý nguy hiểm ở thận. Có người mất cả quả thận cũng vì chủ quan với đau lưng.

Phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư thận tại BV Đa khoa Thanh Hóa

Đi khám đau xương, phát hiện ung thư thận

Ông Nguyễn Văn D., 59 tuổi, (Thanh Hóa) bị đau mỏi lưng từ lâu và tích cực chữa xương khớp. Gần đây đau nhiều, chữa trị đủ các phương pháp dân gian, y học cổ truyền không có kết quả, ông mới đến bệnh viện để chiếu chụp. Ông không thể tin khi được bác sĩ kết luận ung thư thận vì trước đó không hề có các triệu chứng ung thư thận như đái máu, khối u ở bụng... Bác sĩ chỉ định phải nhập viện để cắt bỏ một bên thận càng sớm càng tốt, tránh để lâu ung thư di căn. 

TS.BS Trương Thanh Tùng, Phó trưởng Khoa ngoại bệnh viện Thanh Hóa cho biết, ông D. chỉ là một trong số nhiều trường hợp bị ung thư thận, sỏi thận, viêm thận... có triệu chứng không điển hình được phát hiện. Rất may bệnh nhân đã được phẫu thuật kịp thời, bệnh đang còn ở giai đoạn 1 nên thời gian sống thêm sau phẫu thuật của bệnh nhân là rất tốt. 

Theo TS.BS Trương Thanh Tùng, ung thư thận là một bệnh thường gặp, chiếm tỷ lệ 3% ung thư tiết niệu người lớn. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 40 – 60. Ung thư thận được mô tả bởi tam chứng: Đái máu, đau hố thắt lưng và khối u ở ổ bụng. Thực tế chỉ có khoảng 10% người bệnh có tam chứng trên và 50% phát hiện tình cờ nhờ chụp CT hoặc siêu âm. Hơn một nửa bệnh nhân ung thư thận tiển triển không có triệu chứng. 

Theo TSBS Tùng, ung thư thận là loại ung thư dễ tái phát và di căn, nguy hiểm tới tính mạng. Có những bệnh nhân bị ung thư một bên đã được cắt bán phần hoặc toàn bộ, sau điều trị lại tái phát phần còn lại hoặc di căn sang thận kia. Đặc biệt, các tế bào từ khối u ác tính có thể xâm nhập và gây tổn hại các mô lân cận. Ngoài ra, các tế bào ung thư có thể phá vỡ từ một khối u ác tính và đi vào máu hoặc hệ bạch huyết dọc động mạch chủ bụng và tạo lên các khối u mới ở phổi, não, gan, xương...

Đau vùng thận triệu chứng của nhiều bệnh dễ tử vong

TS.BS Trương Thanh Tùng cảnh báo, người dân chớ nên chủ quan với đau lưng, đặc biệt là các cơn đau vùng thận cả cấp và mạn tính. 

Đau lưng vùng thận được chia làm 2 loại: Cấp tính và đau mạn tính. Đau cấp tính (cơn đau quặn thận) thường xuất hiện đột ngột ở vùng mạng sườn thắt lưng. Đau dữ dội, căng tức, không có tư thế giảm đau. Đau lan xuyên từ hố thận xuống hố chậu và vùng bẹn sinh dục cùng bên. Đau thành cơn, nghỉ ngơi đỡ đau. Trong cơn đau có thể kèm theo các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, buồn nôn, nôn, trướng bụng. Nguyên nhân gây đau thường là do tắc nghẽn, cản trở lưu thông niệu quản, gây ứ niệu làm căng giãn đột ngột bể thận - niệu quản hay gặp trong các bệnh lý: Sỏi thận - niệu quản, co thắt niệu quản, cục máu đông, cục dưỡng chấp đông... Ngoài ra, các nguyên nhân gây thiếu máu cấp tính vùng thận: Xoắn vặn cuống thận, cục nghẽn động mạch thận...cũng gây các cơn đau quặn thận.

Đau mạn tính vùng thận thường là đau âm ỉ, căng tức vùng mạng sườn thắt lưng, đau tăng lên sau lao động và vận động, có thể kèm theo sốt, rối loạn tiểu tiện và thay đổi thành phần nước tiểu. Thường có nguyên nhân gây trở ngại lưu thông của thận, niệu quản mạn tính. Có thể do viêm, do sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản), do u thận hoặc các nguyên nhân chèn ép từ ngoài vào thận và niệu quản.

Đau lưng vùng thận ngoài các bệnh lý tại thận như kể trên thì đôi khi các cơn đau ở lưng và háng lại là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác: cơn đau quặn gan, viêm ruột thừa cấp, thủng tạng rỗng (dạ dày, hồi manh tràng), tắc ruột, viêm dạ dày cấp, nhồi máu lách, viêm tụy cấp, viêm đại tràng co thắt…Đặc biệt là nữ cũng có thể là biểu hiện của nang buồng trứng xoắn, chửa ngoài tử cung dọa vỡ, viêm mủ, áp xe vòi trứng buồng trứng…

Vì vậy, khi thấy khi thấy đau lưng người bệnh cần đi khám sớm để tìm nguyên nhân, tránh để xảy ra các tình trạng đáng tiếc.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP