Bình luận

Đi khám bệnh quả là cực hình

Bà Nguyễn Tuyết Phương, cán bộ hưu trí phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội mong mỏi chủ trương lập mã số quản lý sức khỏe toàn dân của Bộ Y tế sẽ thành hiện thực.  Đây sẽ là một tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như quản lý sức khỏe cho người dân.

Sợ tới bệnh viện

Ngành y tế đang có chủ trương lập mã số quản lý sức khỏe toàn dân. Bà nghĩ gì về vấn đề này?

Đây là một chủ trương rất hay. Nếu làm được thì quá tốt. Sẽ rất thuận lợi cho việc khám chữa bệnh. Người đến khám bệnh không phải kể lể dài dòng về triệu chứng hay tiền sử bệnh của mình. Mà bác sĩ cũng không phải mất nhiều thời gian hỏi về bệnh tình hay làm nhiều xét nghiệm mới biết người ta có vấn đề gì về sức khỏe…

Tất cả những thông tin cần thiết đã có trong hệ thống, chỉ cần đưa mã số của mỗi người vào là tra ra được. Chứ cứ như hiện nay, nghĩ đến đi khám bệnh là đã ngại.

Hôm nào đi khám bệnh thì sáng phải nhịn ăn để làm xét nghiệm máu, phải xếp sổ rồi đợi, có khi đến gần trưa mới được vào khám, khám rồi mới lấy giấy đi làm xét nghiệm. Đến nơi xét nghiệm lại phải xếp hàng, phải đợi. Hôm nào không may thì phải đợi đến chiều. Nói chung là mỗi lần đi khám bệnh căng thẳng và mệt mỏi lắm.

Vì đông quá ạ?

Đông là một phần, phần lớn là vì không thuận tiện. Như tôi mỗi lần vào Bệnh viện Hữu Nghị khám, nhìn các cụ già rồi mà vẫn phải xếp hàng, chờ đợi, rất thương. Vẫn biết là có quy định người từ 80 tuổi trở lên là được ưu tiên, không phải xếp hàng. Khổ nỗi ở đây toàn người cao tuổi nên vẫn phải đợi.

Ngay cả những người ngoài 70 cũng đã yếu lắm rồi mà vẫn phải xếp hàng đợi đến lượt, thật vất vả. Ông nhà tôi có bệnh tiểu đường, quy định là 3 tháng đi khám một lần. Nhưng mỗi lần đi phải ngồi xe lăn, rồi thêm hai người đi cùng, chờ đợi cả buổi như thế, quả là cực hình. Nên đành 6 tháng khám một lần.

Hiện nay một số bệnh viện trong TP HCM đã triển khai mô hình bệnh viện thông minh, rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh.

Cũng có một số nơi người ta thấy cần thiết thì làm, chứ chưa thành một chủ trương, quy định đối với tất cả các bệnh viện. Nên nói chung là mọi người vẫn rất sợ tới bệnh viện, chỉ khi nào có bệnh, thậm chí bệnh nặng mới đi khám.

Ngay như mình, ở thành phố, cũng là người có hiểu biết về y tế, và vẫn biết các chuyên gia y tế khuyên nên đi khám định kỳ 6 tháng một lần, nhưng có thực hiện được đâu.

Nhân viên y tế cũng chẳng sung sướng gì

Tôi biết một bác muốn đi khám sức khỏe định kỳ bằng bảo hiểm y tế, đến nơi bác sĩ rất khó chịu hỏi “bà làm sao mà đi khám?”. Cứ khó khăn như thế thì ai dám đến.

Nói thực là có đến mới biết, nhân viên y tế cũng chẳng sung sướng gì, bệnh nhân đông như thế, làm sao chu đáo được. Nhiều người già cả, bệnh tật khó tính, lại hay hỏi nhiều, y bác sĩ thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi nên người ta không thể nhẹ nhàng được.

Chứ có lần tôi bị đau khớp gối vào bệnh viện tư, có cả y tá dìu vào khám, người ta quan tâm, nhẹ nhàng lắm, khác hẳn. Tất nhiên là chi phí cao hơn, không phải ai cũng vào khám được. Ngay như mình cũng không phải lúc nào cũng dám vào đấy.

Vấn đề là do các bệnh viện công, các bệnh viện tuyến trên đã quá tải rồi?

Quá tải vì bệnh nhân tuyến dưới dồn hết cả lên. Cứ có bệnh là lên hết tuyến trên. Bây giờ còn có mấy ai ra khám ở trạm y tế phường xã, trang thiết bị khám chữa bệnh thì không có, chỉ chỏng chơ cái khay nhôm với mấy viên thuốc cảm cúm, B1.

Muốn giảm quá tải, chỉ có nâng cao y tế cơ sở, phải nâng cấp trang thiết bị để tuyến xã phường đủ điều kiện làm các xét nghiệm, phải có bác sĩ chuyên môn giỏi…

Chúng ta đang phó mặc cuộc sống cho số phận

Tất cả những điều chúng ta nói ở trên mới chỉ là phần khám chữa bệnh thôi, còn việc quản lý sức khỏe thì vẫn gần như bỏ ngỏ. Mỗi người muốn sống thế nào thì sống, muốn ăn uống thế nào thì ăn… đến khi có bệnh thì đi chữa, chứ chưa có ai quản lý sức khỏe cho mình để tư vấn phòng ngừa bệnh.

Nói thực là chúng ta đang phó mặc cuộc sống của mình cho số phận. Đau đâu thì chữa đấy thôi. Lắm lúc người bán thuốc cũng là bác sĩ cho mình. Ho, đau họng ra cửa hàng thuốc kể triệu chứng là họ bán cho loại thuốc này.

Ngay cả có đi khám thì mỗi lần một bác sĩ, người ta đâu nắm được tình hình bệnh của mình. May ra gặp được người tốt, hay có quen bác sĩ nào, thì họ mới tư vấn cho.

Nhưng nếu được lập sổ theo dõi sức khỏe điện tử, thì ít nhất mỗi người cũng được một lần khám sức khỏe toàn diện, một lần quan tâm đến sức khỏe của mình?

Việc này nếu làm được sẽ rất có ý nghĩa. Bởi không những chúng ta có thông số về sức khỏe của mọi người, tiện lợi cho việc thăm khám. Mà còn giúp quản lý các bệnh tật một cách có hệ thống, có những tư vấn kịp thời về cách phòng ngừa cũng như cảnh báo nguy cơ về bệnh tật, đặc biệt là các bệnh về tim mạch, tiểu đường…

Chứ như hiện nay không quản lý được dẫn đến tình trạng tai biến rất nhiều và rất đáng tiếc.

Bà có nói “nếu làm được”? Một vấn đề hay như thế thì phải làm được chứ ạ?

Theo tôi, với thực trạng xã hội chúng ta hiện nay, làm được không phải là dễ. Thứ nhất là nếu quản lý theo bảo hiểm y tế thì hiện nay chúng ta chưa đạt 100% dân mua bảo hiểm y tế. Còn nếu quản lý theo hộ khẩu thì chỉ lấy ví dụ như ở Hà Nội, những người nhập cư, người tạm trú… nhiều như thế, quản lý thế nào?

Như bác giúp việc ở nhà tôi, có bảo hiểm y tế ở quê đấy, nhưng chả lẽ mỗi lần ốm đau lại về quê mới khám được à. Nên nhiều khi người ta cũng mặc kệ. Một vấn đề nữa là nâng cấp cho y tế tuyến xã, phường, tức là cần phải có một nguồn kinh phí rất lớn.

Đây thực chất là chăm sóc sức khỏe ban đầu, thì có thể do bảo hiểm y tế chi trả. Bởi vì giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm gánh nặng cho y tế. Ngoài kinh phí ra, theo bà còn vấn đề gì khó khăn trong việc thực hiện chủ trương này?

Ngoài kinh phí ra, như tôi đã nói đấy, còn là vấn đề nâng cấp tuyến y tế xã phường, phải đào tạo cán bộ y tế giỏi và có chế độ đãi ngộ như thế nào để người ta yên tâm công tác. Chứ như hiện nay, người ta làm cho các phòng khám tư còn hơn là làm bác sĩ tuyến phường xã.

Như thế thì làm sao có người giỏi và làm sao mà người dân tin tưởng đến khám được. Nhưng nếu y tế tuyến cơ sở được trang bị máy móc để xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm, lại có bác sĩ giỏi và khám bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế… thì người ta sẽ tìm đến.

Bà có tin rằng sẽ làm được không ạ?

Tôi đang chờ đợi xem người ta làm thí điểm như thế nào. Nếu thành công, sẽ có rất nhiều thay đổi tích cực trong việc khám chữa bệnh. Rất hy vọng là một chủ trương hay như thế, được người dân ủng hộ như thế sẽ thực sự đi vào cuộc sống.

Xin cảm ơn bà!

Nhật Minh thực hiện

BẢN DESKTOP