Đời sống

Đi chùa ngày Tết - phong tục đẹp của người Việt

  • Tác giả : Khánh Thủy
Chùa là nơi tôn kính. Trong thời khắc trọng đại của năm mới, nhiều người dân Việt đã tìm đến chùa để cầu may, tìm sự bình an và trở về với cội nguồn dân tộc.

Càng tiếp cận đạo Phật càng hướng thiện

Sau cái ồn ào của đời sống, vào thời khắc Giao thừa, người dân ở thành phố cũng như nông thôn đều lắng lại, rủ nhau lên chùa để “Tống cựu nghinh tân”. Thời điểm này ngôi chùa nào cũng đèn nến lung linh, hương khói nghi ngút. Các sư sãi ngồi tụng kinh niệm Phật, kê thêm bàn ghi danh sách người đăng ký cúng sao giải hạn…khung cảnh ấy năm nào cũng có.

Nhà nghiên cứu Dương Đình Thóa, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng Con người TPHCM cho biết, năm mới vạn vật khoác lên mình bộ cánh mới, ai cũng muốn quên đi nỗi vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống, phơi phới niềm tin vào năm mới nên họ lên chùa cầu mong một năm mới mọi việc suôn sẻ, sức khỏe đủ đầy, làm việc hay học hành hanh thông.

Lên chùa vào dịp Tết là phong tục đẹp của người Việt ta. Những người lên chùa vào dịp này là những người có tâm trạng thoải mái nhất, họ cầu bình an cho gia đình và càng tiếp cận đạo Phật thì họ sống càng hướng thiện, họ dạy cho con cháu sống tốt hơn, ở hiền gặp lành.

Trong không gian thanh tịnh, nhang khói mờ mờ ảo ảo, sắc màu của đèn hoa dễ khiến mọi người quên đi cái bộn bề, trút cho lòng mình thanh thản, sống đơn giản, làm nhiều việc phúc đức hơn. Các cụ ta có câu, có thờ có thiêng, có kiêng có lành, đi chùa đầu năm là nét đẹp nên hàng ngàn năm nay và người dân Việt vẫn duy trì thói quen đó.

Ngày khởi của vạn vật

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng Con người TPHCM cho hay, chùa là nơi thờ Phật, nơi luôn mang đến cho ta điều tốt lành. Việc lên chùa đầu năm giúp ta tĩnh tâm. Người đến chùa đầu năm thường là những người đến cầu an hoặc vãn cảnh chùa.

Vào tháng đầu tiên trong năm, thời tiết thay đổi từ giá lạnh sang ấm áp, việc đi lễ chùa cũng làm cho tâm hồn ta thêm ấm áp, an yên. Phật dạy rằng, hành thiện việc thiện sẽ đến. Người đến chùa dù với mục đích gì thì đều hướng về Phật có nghĩa hướng về nơi tốt đẹp, hướng về điều lành, điều thiện, vì vậy, lễ chùa đầu năm là nét văn hóa rất đẹp của nhân dân ta.

Vào năm nay, ngoài ngày mồng 1 lễ chùa thì ngày mồng 10 cũng là ngày khởi của vạn vật, ngày đem đến tài lộc, ngày 14 và ngày rằm là ngày Phật ban phước cho chúng sinh, những ngày đó là ngày tốt nếu muốn đi lễ chùa.

Khi đi lễ chùa, người ta thường thắp hương vì hương khói như nhịp cầu nối kết hai thế giới hữu hình và vô hình với nhau, đây chỉ là quan niệm về mặt tâm linh của người Việt. Đi lễ chùa đầu năm thường các nhà chùa đã thắp hương rồi nên người tới lễ không cần phải thắp thêm nữa. Nếu muốn thắp hương, có thể thắp hương cầu nguyện tại đỉnh đặt bên ngoài sân chùa, không nên thắp quá nhiều hương bên trong chùa sẽ gây ảnh hưởng đến pháp khí.

Trong thời gian dịch bệnh hoành hành, nếu không có điều kiện đến lễ chùa có thể thắp hương cầu nguyện những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới tại nhà. Khi thắp hương nên thắp lẻ que, thắp 3 nén tượng trưng cho thuyết tam tài: Thiên - Địa - Nhân, 1 nén cho trời, 1 nén cho đất, 1 nén cho ông bà, tổ tiên. Cũng có người thắp 5 nén theo thuyết ngũ phương (5 phương trời đất), ngũ thổ (5 hướng thần linh) và ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc thắp 3 nén hương theo thuyết tam tài: Thiên - Địa - Nhân là có phúc nhất.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP