Đời sống

“Đi chợ hộ” - bước cuối chuỗi bán lẻ

  • Tác giả : Hồng Nhung
(khoahocdoisong.vn) - Dịch vụ đi chợ hộ đang thể hiện được vai trò của mình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra. Và trong tương lai,  “đi chợ hộ” chắc chắn vẫn là xu hướng được ưa chuộng.

Dịch vụ đi chợ hộ lên ngôi

Các nền tảng “đi chợ hộ”, “giao hàng tận nơi” không phải là mô hình kinh doanh mới. Cách đây vài năm, Now và Vinmart đã nhanh tay mở dịch vụ “đi chợ hộ” với tên gọi Now Fresh và Scan&Go nhằm phục vụ chị em công sở, văn phòng... bận rộn không có thời gian đi chợ.

Now Fresh thuộc Công ty cổ phần Foody được triển khai từ sớm (năm 2018) và đang là một trong những dịch vụ “đi chợ hộ” thu hút sự chú ý của người dùng nhiều nhất nhờ sự thân thiện với người dùng như dễ đặt hàng, đa dạng gian hàng và sản phẩm, nhiều chương trình khuyến mãi... Với Scan&Go, khách hàng có thể đặt mua sản phẩm hàng qua điện thoại tại các siêu thị gần nhất, hoặc chọn tính năng “đi chợ hộ” thông qua app VinID hoặc tại trang web của Vinmart…

Tuy nhiên, thời điểm đó, dịch vụ này còn khá mờ nhạt, chưa thể hiện được vai trò của mình trong cuộc sống hiện đại.

Dịch Covid-19 bùng phát tạo ra nhiều biến động trong cuộc sống thường ngày. Những yêu cầu về cách ly và giữ khoảng cách đòi hỏi người dân phải lựa chọn một dịch vụ tối ưu hơn trong mua sắm. Các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần thay đổi với thích ứng với sự thanh đổi hành vi của người tiêu dùng.

Đây được xem là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ trong nước thử nghiệm các dịch vụ mới thuận tiện hơn cho người tiêu dùng, và là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ đẩy nhanh quá trình bước vào công nghệ bán lẻ 4.0.

Các hệ thống bán lẻ đều đang nỗ lực đa dạng hóa hình thức mua sắm gián tiếp cho khách hàng nhằm hạn chế tiếp xúc đông người mà khách hàng vẫn mua sắm với hàng hóa chất lượng bảo đảm.

Các hệ thống siêu thị khác như Aeon, BigC, LotteMart, Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh... lần lượt cải thiện kênh bán hàng trực tuyến, nâng cấp và phát triển dịch vụ “đi chợ hộ” và “giao hàng tận nơi”.

Về cơ bản, các siêu thị này tạo danh mục tuyển chọn các thực phẩm thiết yếu (thịt cá, rau củ, gia vị, đồ uống, sữa...) và các sản phẩm cần thiết trong mùa dịch (đồ vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân, giặt xả...). Khách hàng sẽ truy cập để chọn thực phẩm, nhu yếu phẩm phù hợp. Sau khi nhận tín hiệu từ khách, nhân viên của cửa hàng sẽ giao hàng nhanh.

Một số hãng xe công nghệ cũng nhanh chóng gia nhập đội quân “đi chợ hộ”. Grab có GrabMart, Be có Be Đi chợ… Các hãng này liên kết với siêu thị, hoặc chợ đầu mối và điều động các lái xe của mình đến nhận hàng, trả tiền hộ và thu lại khi giao hàng.

Báo cáo của các chuỗi bán lẻ, kể từ khi giãn cách, hàng bán qua các kênh online và dịch vụ đi chợ hộ tăng đột biến. Tại Bách Hoá Xanh, trước giãn cách trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5.000 - 7.000 đơn hàng online, thì sau khi giãn cách, con số này đã tăng 11.000 - 12.000 đơn hàng/ngày. Hệ thống bán lẻ của Central Retail gồm Big C, Go!, Tops Market cũng ghi nhận đơn online tăng 100 - 200% tùy ngày, chủ yếu ở khu vực TPHCM.

Nhìn chung, hầu hết các nền tảng “đi chợ hộ”, “giao hàng tận nơi” đều đáp ứng được nhu cầu hàng hóa và đảm bảo an toàn sức khỏe trong mùa dịch. Đồng thời, giúp cho người tiêu dùng có thể tiết kiệm thời gian.

Xu hướng trong tương lai

Hầu hết nữ nhân viên văn phòng khi được hỏi đều đánh giá cao tính tiện lợi của dịch vụ đi chợ hộ. Dù vậy, rõ ràng việc nhờ một người khác đi chợ thay và mình không trực tiếp có mặt tại siêu thị để lựa đồ chắc chắn có nhiều bất lợi. Theo kết quả nghiên cứu do Deloitte Consulting, 70% quyết định mua hàng được đưa ra tại cửa hàng.

Đi chợ hộ được dự đoán sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh kể cả sau khi các biện pháp cách ly, giãn cách được dỡ bỏ. Bởi vì nó thuận tiện cho lối sống bận rộng, nhất là các hộ gia đình trẻ.

Bên cạnh đó, theo sự phát triển của công nghệ, việc thanh toán của hình thức đi chợ hộ  cũng sẽ chuyển sang không dùng tiền mặt, giảm bớt những rắc rối ở khâu trung gian, giữa siêu thị - người giao hàng - khách hàng.

Tuy nhiên, hiện nay đi chợ hộ mới chỉ có thể triển khai tại các thành phố lớn, khi trung tâm, nơi có nhu cầu sống cao hơn và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ. Đối với các khu vực ngoại thành, hoặc vùng xa, việc đi chợ hộ sẽ cần có chiến lược phát triển song hành cùng các điểm bán hàng.

Ngoài ra, "đi chợ hộ" gắn với các điểm bán hàng của các chuỗi siêu thị đảm bảo cho người dùng các mặt hàng "sạch", nhưng cũng hạn chế số lượng các loại mặt hàng. Tình trạng một số mặt hàng tại các điểm bán bị hết, hoặc chậm giao vẫn tồn tại.

Thêm vào đó, chất lượng của sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng chưa thể đảm bảo tuyệt đối. Không ít người tiêu dùng phản ánh nhiều lần mua phải thực phẩm là trái cây chưa chín đều, rau xanh, thịt, cá chưa được tươi. Do đó, kinh nghiệm khi đi chợ online là phải lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ có uy tín, tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn.

Đây là bài toán chung của cả hệ thống bán hàng online. Cộng đồng doanh nghiệp phân phối – bán lẻ, việc tồn tại và phát triển qua mùa dịch và sau mùa dịch luôn phải gắn liền với vai trò kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng của ngành cũng như vai trò bình ổn thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Hồng Nhung

BẢN DESKTOP