Doanh nghiệp

Dệt may TNG thoái vốn khỏi TNG Land

  • Tác giả : Thảo Nhi
Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã HNX: TNG) cho biết đã thoái vốn xuống dưới tỷ lệ 50% tại TNG Land.

Ngày 20/05, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 6 của CTCP TNG Land về việc tăng vốn điều lệ. Theo đó, TNG Land tăng vốn từ gần 271 tỷ đồng lên gần 287 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ‘ông lớn’ ngành dệt may cho biết, công ty đã giảm tỷ lệ sở hữu tại TNG Land từ 51,7% xuống còn 48,81%, tương ứng phần vốn góp 140 tỷ đồng. Qua đó, Dệt may TNG sẽ không còn là công ty mẹ của TNG Land.

Cũng theo BCTC kiểm toán 2023, ngoài TNG Land, TNG còn có công ty con khác là CTCP Đầu tư và Xây dựng Bắc Thái (sở hữu 70.5%, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp điện) và công ty liên kết là Công ty TNHH Golf Yên Bình TNG (sở hữu 49%, kinh doanh sân golf).

Trong đó, Bắc Thái đã tạm dừng hoạt động và đang trong quá trình làm thủ tục giải thể. Còn Golf Yên Bình TNG có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, được thành lập từ năm 2019 nhưng không đi vào hoạt động. Đến tháng 1/2024, Nghị quyết HĐQT TNG đã thông qua việc giải thể Công ty Golf Yên Bình TNG.

Như vậy, tính đến nay ‘ông lớn’ ngành dệt may không còn công ty con nào.

Theo tìm hiểu, TNG Land được thành lập từ tháng 6/2022 với hoạt động kinh doanh chính là xây dựng và phát triển bất động sản. Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT Dệt may TNG, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT TNG Land. Tính đến ngày 16/5, TNG Land có vốn điều lệ đạt 287 tỷ đồng.

Đầu tháng 4 vừa qua, TNG Land đã chính thức khởi công Dự án Khu dân cư Đại Thắng (Khu đô thị Peace Village) tại TP.Phổ Yên. Dự án có tổng diện tích 11,08 ha, với tệp sản phẩm gồm: shophouse, đất nền, nhà ở xã hội. Dự án dự kiến sẽ đi vào khai thác trong quý 4/2025.

TNG Land khép lại năm 2023 với kết quả đạt gần 14 tỷ đồng doanh thu và 4 tỷ đồng lợi nhuận, tăng lần lượt 142% và 443% so với năm 2022.

Kết quả kinh doanh của Dệt may TNG từ quý 1/2022 - quý 1/2024

Kết quả kinh doanh của Dệt may TNG từ quý 1/2022 - quý 1/2024

Về phía Dệt may TNG, trong quý 1/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.354 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do chi phí hoạt động tăng nên lợi nhuận sau thuế giảm 4% so với năm trước, còn 42 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 3, TNG có tổng tài sản hơn 5,575 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền còn hơn 251 tỷ đồng, giảm 12%; hàng tồn kho ở mức 1,390 tỷ đồng, tăng 34%. Nợ phải trả của TNG là 3,720 tỷ đồng, tăng 10% so đầu năm.

Năm 2024, TNG lên kế hoạch doanh thu 7,900 tỷ đồng và lãi sau thuế 310 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 41% so với thực hiện 2023. Như vậy, kết thúc quý 1/2024, TNG đã hoàn thành lần lượt 17% và 14% kế hoạch đề ra.

Hiện tình hình đơn hàng của Dệt may TNG có nhiều tín hiệu tích cực khi các đối tác dần đẩy mạnh đặt hàng trở lại sau khi hàng tồn kho được tiêu thụ đáng kể. Chỉ số Hàng tồn kho/Doanh thu của một số khách hàng lớn của công ty như Nike, Adidas, TCP… nay đã tiệm cận mức trung bình trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đặc biệt là Dệt may TNG sẽ có thể hưởng lợi từ việc dịch chuyển đơn hàng khỏi Bangladesh khi công nhân ngành dệt may tại nước này tổ chức đình công kéo dài.

Ban lãnh đạo Dệt may TNG cũng cho biết, hai khách hàng lớn nhất của công ty là Decathlon và Abercrombie & Fitch đều có kế hoạch gia tăng đơn hàng ở mức “khả quan”. Thậm chí, một số trường hợp, Dệt may TNG đã phải từ chối một số đơn hàng mới để đảm bảo tiến độ sản xuất cho 2 khách hàng lớn hiện tại.

Thảo Nhi

BẢN DESKTOP