Giáo dục

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Giáo viên là nghề đặc thù

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, cần tổ chức những buổi làm việc, lấy ý kiến trực tiếp từ giáo viên đối với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non

Tại phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), một  trong các vấn đề được các đại biểu quan tâm và tranh luận là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ, và 62 đối với nam.

Đề xuất này, thời gian qua đã khiến không ít giáo viên cảm thấy lo lắng, băn khoăn khi cho rằng, nghề giáo là một nghề đặc thù. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cho giáo viên sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy cũng như quyền lợi của giáo viên. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, sẽ có nhiều giáo viên “ngã gục” trước khi được nghỉ hưu theo dự thảo Luật mới.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu.

Trả lời PV KH&ĐS bên hành lang QH về vấn đề này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nghề giáo có những đặc thù cần hết sức quan tâm.

Vì đây là công việc tiếp xúc con người, vấn đề đặt ra là phải tạo ra được cảm xúc của quan hệ giao tiếp đó. Trong nhận thức của đối tác giao tiếp, họ phải thấy người thầy phù hợp với lứa tuổi, suy nghĩ của họ, đặc biệt đối với bậc học mầm non và tiểu học.

Cụ thể theo ông Hiểu, trẻ mầm non đến trường, rời vòng tay người mẹ - thường là những người mẹ trẻ. Như vậy, thói quen tiếp xúc ở đây là với người trẻ.

Thứ hai, đối với giáo viên ở những bậc học này, ngoài việc giảng dạy văn hóa, thì còn có những hoạt động về chăm sóc, nhất là những hoạt động liên quan tới tạo trò chơi, hoạt náo, kỹ năng mềm… đòi hỏi các thầy cô giáo phải ở lứa tuổi trẻ thì mới có thể làm được.

“Cho nên, tôi cho rằng, đối với giáo viên mầm non, nên giữ nguyên độ tuổi như luật hiện hành là phù hợp. Còn đối với giáo viên tiểu học, trong trường hợp tăng, cũng chỉ nên tăng 1 – 2 tuổi”, ông Hiểu nói.

Đối với giáo viên ở các bậc học khác ông Hiểu cho rằng cũng cần linh hoạt khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.

“Ở buổi lấy ý kiến của người lao động, có người nói với tôi rằng, ngay cả ở trường đại học bây giờ, sinh viên cũng không muốn học với người thầy lớn tuổi. Đây là một thực tế, chúng ta phải đánh giá một cách rất toàn diện để đảm bảo lợi ích giáo dục.

Và tôi cho rằng, cần phải tổ chức những buổi làm việc, lấy ý kiến trưc tiếp từ giáo viên”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

Giải thích thêm về điều này, ông Hiểu cho biết, nghề giáo có yêu cầu rất cao về cảm xúc và động lực khi đứng trên bục giảng. Khi giáo viên còn nhiều nhiệt huyết, nhiệt tình, yêu nghề, những bài học sẽ có sức hút với học sinh hơn.

Đối với câu nói “thầy già con hát trẻ”, đó là quan niệm về mặt kinh nghiệm. Còn giờ giáo dục là sự kết hợp của cả kiến thức và kỹ năng, phương pháp. Người thầy chỉ giỏi kiến thức không chưa đủ.

“Tôi cũng gốc là nhà giáo. Khi còn rất trẻ, 34 tuổi đã thôi làm giảng viên đại học rồi. Tôi thấy, khi mình là giảng viên trẻ, mình có sự gần gũi, có sức hút nhất định đối với sinh viên.

Cho nên, đối với việc tăng tuổi nghỉ hưu này cần phải có đánh giá tổng thể các tác động, có nghiên cứu từng độ tuổi và thiết kế linh hoạt”, ông Hiểu chia sẻ.

Một cô giáo tiểu học chia sẻ, 60 là lứa tuổi suy giảm cả về sức khỏe thể chất và tinh thần, nếu bị bắt buộc thì e rằng nhiều người sẽ chỉ đi làm cho đủ ngày công. Học sinh tiểu học nhìn bà giáo già cũng "phát chán". Tăng tuổi nghỉ hưu không có lợi cho hiệu quả giáo dục. Đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện tại.

Giáo viên từ THPT trở lên có thể tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi.

Cũng chia sẻ bên hành lang QH về vấn đề này, đại biểu Hồ Sỹ Lợi,  Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội QH, thành viên cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật Lao động sửa đổi nói: “Đúng là có rất nhiều ý kiến giáo viên ở cấp mầm non, mẫu giáo và tiểu học phản ánh sẽ khó đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe để cống hiến đến năm  60, 62 tuổi.

Điều này thì Chính phủ cần phải nghiên cứu tiếp thu, để xem xét đối với những cấp học thấp đó thì liệu có đáp ứng để đạt tới được tới tuổi tối đa trong điều kiện lao động bình thường không.

Ví dụ, các cháu học sinh trẻ tuổi đang trong giai đoạn phát huy năng lực, trí tuệ, trình độ mà giáo viên lại chậm chạp, lại không đáp ứng được yêu cầu.

Nếu giáo viên khả năng sức khỏe không đảm bảo thì có thể đưa vào nhóm được giảm tuổi nghỉ hưu. Vấn đề này cần phải được xem xét kỹ lưỡng. 

Nhưng đối với giáo viên các bậc học khác, cụ thể là từ THPT trở lên thì theo ông Lợi cơ bản vẫn có thể từng bước thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. 

Giải thích về điều này, ông Lợi cho rằng, những bệnh liên quan tới giáo viên thường là phổi, họng do nói nhiều. Nhưng hiện nay giáo viên cũng đã được tiếp cận với khoa học công nghệ, ví dụ như sử dụng máy chiếu… Việc sử dụng tiếng nói cũng đỡ đi.

Tuy nhiên, ông Lợi cho biết, xuất phát từ thực tiễn có những phản ánh, cũng nên có nghiên cứu tổng thể đối với hệ thống giáo viên. Xem với điều kiện làm việc, điều kiện giảng dạy, khả năng sức khỏe, giáo viên có thể đáp ứng được không rồi mới quyết định là như thế nào.

Đúng là việc giảng dạy giờ có sự hỗ trợ của công nghệ. Tuy nhiên, công nghệ  cũng chỉ là phương tiện. Trong khi chất lượng của hoạt động giảng dạy là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: sức khỏe thể chất, tinh thần; trí tuệ; nhiệt huyết... Ngoài ra, giáo viên còn phải làm nhiều công việc hành chính nữa chứ không phải chỉ riêng việc giảng dạy. Khoảng cách thế hệ ngày càng tăng, học sinh cũng muốn học các thầy cô giáo trẻ. Công nghệ thì phát triển rất nhanh, qua 50 tuổi khả năng học và làm mới đã giảm nhiều. Tôi cho rằng, nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện hành. Còn ai cảm thấy còn sức khỏe thì vẫn tiếp tục cống hiến.

TS Trần Vân Anh, Trưởng Bộ môn Lịch sử, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Mai Loan

BẢN DESKTOP