Cục Đường sắt trình lên Bộ GTVT danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài lĩnh vực đường sắt.
Trong danh mục có dự án đầu tư đường sắt vào cảng Lạch Huyện và dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải.
Trong đó, dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải đã được lập và được Bộ GTVT chấp thuận kết quả nghiên cứu.
Dự kiến dự án này có chiều dài 84km, khổ 1.435mm, đi song song QL51, đi qua khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Bến Đình - Sao Mai.
Vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 56.800 tỷ đồng. Thời gian thu hồi vốn là 19 năm, thời gian hoàn trả vốn vay là 30 năm.
Dự án đầu tư đường sắt vào cảng Lạch Huyện đang ở bước lập dự án. Dự án mới này sẽ thay thế tuyến đường sắt đến cảng Hải Phòng hiện nay.
Dự án có điểm đầu là ga Dụ Nghĩa trên khu gian Dụ Nghĩa - Vật Cách, tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng, điểm cuối là ga Tiền Cảng (ga phân loại) với hướng tuyến cải tạo ga Dụ Nghĩa (ga nối ray) và mở mới ga Nam Hải Phòng (ga lập tàu).
Từ ga Dụ Nghĩa tuyến đường vượt qua sông Lạch Tray theo hướng xuống phía Nam thành phố Hải Phòng tới ga Nam Hải Phòng (khu vực xã Minh Tân), tới bán đảo Đình Vũ, qua cầu Tân Vũ đến ga Đình Vũ.
Từ ga Đình Vũ, tuyến song song với đường bộ qua cửa Nam Triệu đến ga phân loại. Từ ga phân loại, tuyến rẽ phải chạy dọc cầu tàu để cập bến trong cảng Lạch Huyện.
Dự án sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 32,6 nghìn tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn dự kiến 25 năm và thời gian hoàn trả vốn vay là 30 năm.
Đây là lần đầu tiên vấn đề dùng vốn FDI xây dựng đường sắt tại Việt Nam chính thức được công khai.
Đồng thời cũng là lần đầu tiên đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ phục vụ hành hoá khối lớn được đề nghị xây dựng đồng bộ, có kế hoạch rõ ràng, có tính hệ thống.
Trước đó, đường sắt Yên Viên - Hạ Long được xây dựng dở dang, bằng vốn nhà nước, và không phát huy hiệu quả.