Giáo dục

Để học và làm tốt bài thi môn Lịch sử

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Kỹ năng học và làm bài thi tốt môn Sử do các giáo viên giỏi hướng dẫn không chỉ giúp các em vượt qua kỳ thi vào lớp 10 và còn nuôi dưỡng tình yêu với môn Sử.

Quan trọng nhất phải hiểu được bản chất sự kiện

Theo TS Lê Hiến Chương, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cách học tốt môn Sử, trước hết cần phải hiểu được bản chất của sự kiện, hiện tượng, quá trình lịch sử.

Đây là vấn đề cốt lõi. Nếu biết, nhớ nhưng không hiểu được thì sẽ rất khó nhớ lâu và giải thích đúng khi làm bài.

Ví dụ, nếu không hiểu được bối cảnh, nguyên nhân sâu xa của sự khác biệt giữa Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của ĐCS VN do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo tháng 2/1930 và Luận cương chính trị của ĐCS Đông Dương do Trần Phú soạn thảo tháng 10/1930, học sinh rất khó để nhớ đủ, nhớ đúng và nhớ lâu những khác biệt giữa hai bản cương lĩnh.

Bản thân việc nắm rõ các khái niệm như cách mạng tư sản dân quyền, thổ địa cách mạng... cũng sẽ khiến học sinh nhớ lâu hơn nội dung cả hai cương lĩnh.

Thứ hai, học sinh phải nắm được, nhớ được những vấn đề quan trọng nhất, then chốt nhất. Tránh tình trạng nhồi vào đầu quá nhiều dẫn đến "mông lung", hoặc khi vào thi không có ý để triển khai bài viết.

Cũng có thể vừa học, vừa suy ngẫm, vừa ghi ra giấy theo kiểu sơ đồ tư duy. Việc vừa học vừa ghi và nói ra thành lời sẽ có hiệu quả rất lớn.

Hoặc ghi nhớ kiểu đầu mối máy móc khi cần thiết, tránh quên những vấn đề khó nhớ. Ví dụ: tên các tỉnh miền đông  Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, các tỉnh miền tây Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên có thể nhớ máy móc các từ đầu tiên, thành: Gia Định Biên, Vĩnh An Hà.

Nên đọc mở rộng ra về mọi sự kiện, hiện tượng, quá trình, nhân vật lịch sử thông qua tài liệu tham khảo và sách báo, Internet. Việc mở rộng kiến thức sẽ khiến người học hiểu sâu hơn, chính xác hơn, đồng thời nhớ lâu hơn, và khi làm bài cũng sẽ dễ có điểm cao hơn.

Có thể áp dụng phương pháp Golden list của việc học ngoại ngữ. Ghi toàn bộ kiến thức của một vấn đề ôn tập ra 1 trang giấy, lần lượt theo từng dòng tương ứng với từng nội dung, từng ý, ghi nhớ lấy.

Sau đó vài ngày hoặc 1-2 tuần, nhớ lại những nội dung đã học và ghi ra những vấn đề mình nhớ được. Tiếp đó mở phần ghi chép trước đây ra (phần ghi chép ban đầu), gạch bỏ những phần mình đã nhớ, bôi đậm bằng bút giấu dòng những ý mình đã quên và ghi lại lần nữa theo hệ thống. Cứ như vậy cho đến khi nhớ kĩ.

Hạn chế lớn nhất khi làm bài thi là không nắm được những ý cơ bản, cốt lõi trong một nội dung. Dẫn đến mất điểm do barem chấm điểm thường chia rõ từng ý của một nội dung cụ thể. Có thể học sinh viết rất dài nhưng không đủ các ý cơ bản và không thể đạt điểm cao.

Ví dụ, học sinh ghi ra giấy lần lượt 15 sự kiện trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Nhớ lấy (thuộc). Sau đó khoảng 1-2 tuần nhớ lại nội dung, ghi ra giấy, và đối chiếu với bản đã ghi trước đó.

Sẽ có một số sự kiện bị quên. Khi đó cần tập trung ôn lại, nắm kĩ những sự kiện mình đã không nhớ được, ghi ra giấy lần nữa. Việc này giúp củng cố kiến thức và trí nhớ rất hiệu quả.

Đặc biệt, chỉ nên học, nghiền ngẫm, ghi nhớ khi tỉnh táo, minh mẫn. Đây là lúc ghi nhớ hiệu quả nhất, lâu dài nhất. Nếu mệt hoặc quá buồn ngủ thì nên để cơ thể và đầu óc nghỉ ngơi. Không nên ép trí não.

Sử là môn học của tư duy, không phải học thuộc lòng

TS Trần Vân Anh, Trưởng Bộ môn Lịch sử, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ, điều đầu tiên muốn học tốt môn Sử đó là phải thay đổi suy nghĩ, coi Lịch sử là một môn học của tư duy, chứ không phải là môn học thuộc lòng. Và sẽ có các nấc thang: nhớ, hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.

Sử là môn học của tư duy.

Sử là môn học của tư duy.

Trước hết, khi học Lịch sử hãy liên tục đặt câu hỏi, bởi Sử là môn học về quá khứ, kích thích trí tò mò.

Học sinh có thể sử dụng kỹ thuật 5W. 5W bao gồm: What sự kiện đó là gì; When? Xảy ra khi nào; Where? Xảy ra ở đâu?; Who? Ai tham gia, ai chứng kiến,, ai thực hiện; Why? Tại sao nó lại xảy ra, tại sao thế này, thế kia…; How: nó diễn ra thế nào, có ý nghĩa, tác động, hậu quả, hệ quả của nó thế nào?

Biện pháp thứ hai cũng khá hiệu là ghi nhớ các từ khóa (những từ quan trọng). Những từ khóa này sẽ giúp học sinh mở rộng và nâng cao mức độ tư duy.

Nhớ các từ khóa quan trọng.

Nhớ các từ khóa quan trọng.

Ví dụ, đối với nội dung: “Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới rằng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời.

Từ một nước phong kiến thuộc địa, Việt Nam đã trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, đưa nhân dân ta từ  thân phận nô lệ thành người dân tự do – tạo nên bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc.

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời là thành quả vĩ đại của cách mạng tháng Tám”.

Ở mức độ Nhớ, chỉ cần ghi nhớ những từ khóa quan trọng: 2/9/1945; Quảng trường Ba Đình; Chủ tịch Hồ Chí Minh; đọc bản Tuyên ngôn độc lập; Tuyên bố; nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã ra đời; Bước ngoặt lịch sử; Thành quả to lớn nhất.

Mức độ Hiểu học sinh giải thích được “bước ngoặt lịch sử” bằng cách lí giải bản chất sự chuyển biến: Thuộc địa – độc lập; Phong kiến – Dân chủ cộng hòa; Nô lệ - Làm chủ.

Mức độ vận dụng thấp, học sinh đánh giá thành tựu của Cách mạng tháng Tám thông qua liên kết kiến thức với thực tiễn lịch sử. Học sinh đánh giá: Cách mạng tháng Tám đem lại điều gì đối với lịch sử dân tộc. Đó chính là “Giành độc lập dân tộc”.

Phân cấp mức độ sẽ giúp học sinh chủ động trong kỳ thi vào lớp 10, vì trong đề thi sẽ kiểm tra, đánh giá 3 cấp độ:  Nhớ (nhận biết); Hiểu (thông hiểu); Vận dụng thấp;

Ngoài ra, có thể dùng phương pháp sơ đồ hóa kiến thức: sơ đồ thời gian, sơ đồ cây, sơ đồ tư duy. Hoặc học qua văn học, nghệ thuật, sách báo. Ví dụ; tranh biếm họa, Mĩ và Liên Xô bập bênh trên Trái đất thể hiện điều gì trong quan hệ quốc tế?

Học Lịch sử qua sách báo, tranh biếm họa.

Học Lịch sử qua sách báo, tranh biếm họa.

Học sinh sẽ nhớ lâu và hiểu sâu hơn khi thảo luận, trao đổi cùng nhóm, như cùng nhau hỏi đáp, tranh luận để cùng hình thành và kiểm tra kiến thức lẫn nhau, tóm tắt lại ý chính, ghi giấy nhớ, học online, tự làm đề kiểm tra.

Một số cách ghi nhớ môn Lịch sử.

Một số cách ghi nhớ môn Lịch sử.

Trên thực tế, vận dụng kiến thức lịch sử vào thực tế, quan sát và liên hệ kiến thức trong cuộc sống là cách học lịch sử có ý nghĩa kết nối lịch sử với cuộc sống. Ví dụ: tên đường phố có ý nghĩa lịch sử không? Di tích lịch sử ngày đó nay ở đâu?

Hướng dẫn kỹ năng làm bài trắc nghiệm môn Lịch sử

Đầu tiên, cần tìm hiểu cấu trúc đề thi, ví dụ: 40 câu. Tỷ lệ LSTG/LSVN: 30/70.

Thời gian làm bài: 60 phút.

Kiểm soát thời gian: 60/40.

Phân bổ: Lần 1: Đọc 40 câu, trung bình 1 câu/phút. Tối đa lần 1 là 40 phút. Câu nào không làm được bỏ qua, đánh dấu băn khoăn.

Lần 2: Phân tích câu đánh dấu băn khoăn. Đọc kỹ , dùng phương pháp loại trừ, suy luận. Tối đa 10 phút. Không làm được đánh dấu.

Lần 3: Tối đa 5 phút. Đọc lại các câu chưa hoàn thành, chọn 1 phương án.

Kiểm tra toàn diện: Tối đa 5 phút.

Mai Loan

BẢN DESKTOP