Giáo dục

ĐB Quốc hội: Một tiết dạy trực tuyến trăm mắt nhìn

  • Tác giả : Mai Loan
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, một tiết dạy trực tuyến trăm mắt nhìn, không chỉ có học sinh mà gồm cả phụ huynh, dư luận và mạng xã hội gây áp lực cho giáo viên.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và phòng chống Covid-19, đại biểu Nguyễn Thị Hà  (Bắc Ninh) đã có phát biểu liên quan đến vấn đề học trực tuyến.

dai-bieu-nguyen-thi-ha.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh).

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, thời gian qua, toàn ngành giáo dục và bản thân các thầy, cô giáo đã có nhiều cố gắng, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai dạy và học trực tuyến giữa muôn vàn khó khăn.

Tuy nhiên, việc dạy và học trực tuyến vẫn tồn tại những khó khăn, bất cập.

Cụ thể, chất lượng việc dạy và học chưa được đảm bảo, do rất nhiều yếu tố khách quan đem lại như: Chất lượng của đường truyền không ổn định, một bộ phận thầy, cô giáo, đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Thiết bị sử dụng dạy học còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc quản lý học sinh trong quá trình học tập chưa thật hiệu quả. Mặc dù Chính phủ đã phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em", nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thực tế.

Đặc biệt, việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy và người học khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu và không vận động trong thời gian dài.

Học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè, trong khi nhiều phụ huynh chưa tương tác hợp lý với con trong quá trình học trực tuyến.

Giáo viên cũng nảy sinh áp lực tâm lý khi một tiết dạy trăm mắt nhìn, còn bị theo dõi của cả mạng xã hội, dư luận.

"Khán, thính giả của giáo viên trong giờ học trực tuyến giờ đây không chỉ là học sinh mà còn là phụ huynh, dư luận và cả mạng xã hội", đại biểu Hà nói.

Từ những phân tích trên, đại biểu Đặng Thị Hà đưa ra 3 đề xuất với việc học trực tuyến:

Một là, đề nghị Chính phủ giao các bộ hữu quan có kế hoạch nâng cấp đường truyền để đảm bảo chất lượng băng thông luôn ổn định, mở rộng nhiều đối tượng được tiếp cận với chương trình Sóng và máy tính cho em. Nghiên cứu các hình thức thu hút doanh nghiệp thực sự tham gia vào chương trình để sớm đạt được mục tiêu không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Hai là, đề nghị Bộ GD&ĐT  nghiên cứu, tổ chức nhiều chương trình đối thoại, trao đổi giữa cấp quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh để chia sẻ và cởi bỏ áp lực tâm lý của các bên khi học trực tuyến kéo dài.

Ba là, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ hữu quan nghiên cứu xây dựng các phần mềm quản lý việc dạy, học và tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp, hiệu quả, tiên tiến và thân thiện với người dùng.

Tăng cường tập huấn việc sử dụng công nghệ thông tin nói chung và việc sử dụng các phần mềm dạy học hữu ích nói riêng cho giáo viên và học sinh để nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến ngay cả khi không có dịch xảy ra.

Mai Loan

BẢN DESKTOP