Đời sống

Dạy con biết tha thứ

Với tâm lý tha thứ nhưng không bao giờ quên, nhiều ông bố bà mẹ đã gieo vào tâm hồn con trẻ một mặc định xin lỗi cho có hình thức.

Chuyên gia nghiên cứu giáo dục trẻ em Catherine Yến Phạm (TP HCM) nói về sai lầm của nhiều phụ huynh trong ứng xử với con khiến trẻ sợ nói lời xin lỗi và không biết cách cư xử lịch sự.

Người Việt rất ngại xin lỗi. Trẻ em thường sợ nói câu này. Và nếu ngày nhỏ sợ nói xin lỗi rồi thì lớn còn sợ hơn và càng có tuổi càng không bao giờ xin lỗi. Nhiều người chỉ nói điều này khi bị người khác ép buộc.

Bạn có biết tại sao bạn không muốn nói xin lỗi không?

Là vì trong tiềm thức xa xôi, ngay từ hồi bạn còn nhỏ, mỗi lần bạn phạm lỗi, bạn được dạy phải xin lỗi. Thế nhưng bố mẹ hoặc người lớn sẽ tiếp tục lườm nguýt, răn đe: “Lần này mẹ/bố tha. Lần sau không được thế nghe chưa”. Và nối tiếp là một bài “thuyết trình” về lễ giáo đi kèm thái độ bực dọc.

Bài “thuyết trình” đạo lý đó sẽ tiếp diễn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, miễn là người lớn nhớ ra hoặc bạn vô tình phạm lỗi.

Lâu ngày, tâm lý non nớt của bạn dần dần tự xây cho mình một hàng rào bảo vệ khỏi những lời chì chiết đó bằng cách hoặc bỏ ngoài tai mọi lời răn đe và tiếp tục phạm lỗi hoặc chối bay chối biến mọi sai lầm của mình.

Rào cản tâm lý ngại xin lỗi này cũng lớn lên với bạn theo năm tháng. Rồi vô tình bạn lại giẫm vào vết xe đổ của chính bố mẹ và những người lớn xung quanh bạn ngày xưa. Bạn lại bắt đầu chì chiết con mình khi bé phạm lỗi.

Vậy làm sao để thay đổi?

Sau tiếng xin lỗi đầy khó khăn,  nếu điều nhận được là cái ôm đầy cảm thông, và lời nói dịu dàng của người lớn trẻ sẽ có tâm lý vô cùng thoải mái nhưng cũng đầy áy náy vì tội lỗi mình đã phạm.

Vậy bố mẹ nên có thái độ thế nào mới đúng? Dạy con xin lỗi cũng đồng nghĩa với dạy con tha thứ. Khi con đã hiểu ra vấn đề, đã chịu trách nhiệm rồi, bạn đừng qua loa với lỗi lầm của con, đừng đánh chửi con nhưng cũng đừng kêu con xin lỗi lấy lệ rồi thôi. Hãy nhẹ nhàng nhìn vào lỗi của con mà nhắc con sửa sai, sau đó cho con xin lỗi và cuối cùng là khích lệ con.

Chẳng hạn, một hôm con đánh rơi bình nước, thay vì hét lên với con, bạn chỉ cần nhẹ nhàng bảo con dọn đi. Đừng qua loa. Nếu con không dọn thì mẹ đứng đó đến khi con đồng ý dọn. Khi con đã đồng ý dọn thì mẹ hướng dẫn con. Sau khi làm xong, nếu con xin lỗi, mẹ hãy mỉm cười với con và gật đầu chấp nhận một cách bao dung. Nếu được, mẹ hãy khen con giỏi và nhớ cười với con. Vậy thôi, nhẹ nhàng mà cương quyết, việc sửa sai cần làm đến cùng nhưng lòng vị tha cũng sẵn sàng đón đợi con.

Nếu ai đó làm bạn buồn, họ đã xin lỗi thì trong lòng bạn dù còn giận thì cũng phải hiểu rằng họ đã cố gắng lắm rồi nên đừng làm khó họ nữa, huống chi có thể trong việc đó cũng có một phần do lỗi của mình. Đừng lúc nào cũng coi mình như một nạn nhân.

Hơn hết, dễ thương với nhau là một nét đẹp văn hoá. Đó là hành động vì hoà bình. Đứa trẻ ngoài việc học cho đi lời xin lỗi còn biết luôn tha thứ và được tha thứ.

Cái tư thế mình là nạn nhân, đó không phải lỗi của mình, mình bị người ta đối xử thế… hoàn toàn không có thật. Không có thứ gì là vô tình xảy ra trong đời bạn cả. Mọi thứ đều có nguyên nhân. Vậy thì hãy tin rằng khi mình rộng lượng thì sẽ có bao nhiêu thứ tươi đẹp đến với mình.

Hoàng Bách (tổng hợp)

BẢN DESKTOP