Dọc đường

Dấu tích đặc biệt trên đất cụ Đề

  • Tác giả : Đông Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Khởi nghĩa Yên Thế nổ ra năm 1884 tại Bắc Giang rồi lan rộng ra một số tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và một phần tỉnh Lạng Sơn. Hoàng Hoa Thám cùng các nghĩa sĩ đã chiến đấu bền bỉ suốt gần 30 năm để lập lên những chiến công lớn. Trải qua thời gian, những biến cố lịch sử song dấu tích, địa điểm lịch sử về cuộc khởi nghĩa này còn khá đậm nét trên vùng đất Bắc Giang.  
Tượng đài Hoàng Hoa Thám.

Tượng đài Hoàng Hoa Thám.

Khí phách hào hùng

Theo sự chỉ dẫn của các cán bộ văn hóa địa phương, chúng tôi thăm những di tích quốc gia đặc biệt về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) lãnh đạo cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đó là những công trình kiến trúc cổ (đình, chùa, đền, miếu cùng các địa điểm, đồn lũy...) tạo thành một hệ thống di tích liên hoàn của vùng quê vốn có lịch sử lâu đời và nổi tiếng về truyền thống thượng võ, anh hùng. Dẫu rằng nơi đó chỉ còn là di tích, thậm chí là phế tích đã hoen ố, rong rêu song hôm nay đến Yên Thế ta vẫn nghe vang vọng đâu đây hào khí của lễ tế đền Thề và các trận Phồn Xương, Hố Chuối năm xưa.

Ngược dòng lịch sử hơn 140 năm về trước, đất nước ta bắt đầu có những biến chuyển và phân hoá. Trước yêu cầu nóng bỏng của lịch sử, các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam đương thời đã đoàn kết lần lượt vươn giữ ngọn cờ giải phóng dân tộc... Đặc biệt trong số đó phải kể đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế của anh hùng Hoàng Hoa Thám. 

Khởi nghĩa Yên Thế đã tồn tại ngót 30 năm (1884 - 1913), đây là cuộc khởi nghĩa lớn nhất, tiêu biểu và bền bỉ nhất cho phong trào yêu nước của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo. Trong khói lửa tàn khốc mà những kẻ xâm lược mang đến, Hoàng Hoa Thám đã trở thành một anh hùng dân tộc, người mà chính giới Pháp cũng phải thừa nhận “Mỗi thế kỷ chỉ xuất hiện một lần mà thôi... Nghĩa quân Yên Thế tất cả đều can đảm, thiện chiến, tuyệt đối phục tùng người chỉ huy, xuất sắc trong cách đánh phục kính và đánh trong rừng, hiểu biết một cách kỳ lạ mọi thuận lợi của địa hình để vận dụng trong chiến đấu” (trích trong Pêrô - Những nẻo đường chiến trận -  Paris 1908). 

Đồn Phồn Xương, thủ phủ của khởi nghĩa Yên Thế.

Đồn Phồn Xương, thủ phủ của khởi nghĩa Yên Thế.

Khởi nghĩa Yên Thế chính là biểu trưng rực rỡ của của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống xâm lược của nhân dân ta. Một điều đặc biệt ở Hoàng Hoa Thám là ý chí chiến đấu vì độc lập dân tộc của ông luôn được song hành và hun đúc bởi một ngọn lửa thiêng, rằng: "Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng" (thư Đề Thám gửi quân Pháp trong trận Hố Chuối ngày 22/12/1890). Hẳn vì ngọn lửa thiêng này luôn tiềm ẩn trong con người ông, thấm đẫm trong ý chí, thôi thúc ông hành động, tạo nên cốt cách Hoàng Hoa Thám.

Trong cuốn “Tragédie Franco-Indocinos” (Bi kịch Pháp ở Đông Dương - Arnaud Barthhouet, Paris-1948 thú nhận: “Đề Thám rất can đảm, ưa hành động, chiến đấu, sự hiểu biết của ông ta về người và sự vật rất lớn, có một cảm quan nhạy bén. Sự hiểu biết về địa hình và vận dụng địa hình trong phòng ngự và tấn công, bản năng chiến đấu của ông, thật là kỳ diệu... Ông ta đã gây cho chúng ta rất nhiều tổn thất... Ông ta có những tài năng lớn của một chiến binh. Sẽ là hèn hạ nếu không công nhận điều đó".

Muôn thuở lưu truyền

Hệ thống di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế là phân bố trên một địa bàn rộng lớn bao gồm từ Yên Thế, Tân Yên, đến Yên Dũng, Việt Yên. 23 điểm di tích này đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.  

Trong đó, tiêu biểu phải kể đến khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám ở làng Trũng, xã Ngọc Châu (Tân Yên) nơi sinh sống thời thơ ấu của ông. Làng Trũng được coi là quê hương thứ hai và là nơi duy nhất có đền thờ ông (Hoàng Hoa Thám quê gốc ở Hưng Yên). Ngoài ra có đình Hả, xã Tân Trung (Tân Yên) - quê hương của Đề Nắm - vị thủ lĩnh đầu tiên của phong trào và là nơi Đề Nắm tế cờ khởi nghĩa ngày 15/3/1884 (mở đầu của khởi nghĩa Yên Thế). Đó là một ngôi đình mang tên Dĩnh Thép, xã Tân Hiệp (Yên Thế) - nơi nghĩa quân Yên Thế tổ chức đại hội để bầu ra thủ lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa năm 1888; ngày 24/10/1894, đình Dĩnh Thép là nơi diễn ra cuộc trao trả tù binh, nghĩa quân Đề Thám nhận tiền chuộc là 15 hòm bạc trắng (tương đương 15.000 Frăng) và trả tự do cho Sécnay-một đại địa chủ kiêm thầu khoán, chủ bút báo Tương lai xứ Bắc Kỳ. Còn đó đền Thề ở thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế) - nơi hàng năm nghĩa quân làm lễ cầu siêu cho các nghĩa sĩ và là nơi tế cờ trước mỗi lần xuất quân. 

Tại đồn Hố Chuối, xã Phồn Xương (Yên Thế) vào cuối năm 1890 nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Hoàng Hoa Thám với lực lượng chỉ khoảng 150 người, đã liên tiếp đánh bại bốn cuộc tấn công lớn của thực dân Pháp do các tướng Gôđanh, Tannơ, Mayơ rồi Phơrây chỉ huy cùng với 2.212 binh lính trang bị vũ khí hiện đại (gồm cả bộ binh, công binh và pháo binh). Như vậy, nghĩa quân đã phải chiến đấu 1 chọi với gần 15 địch và đã chiến thắng oanh liệt trong 4 cuộc tấn công của thực dân Pháp vào đồn Hố Chuối 73 lính Pháp đã bị thương cùng với 26 tên đã vĩnh viễn nằm lại núi rừng Yên Thế.

Đồn Hố Chuối do người Pháp chụp lại.

Đồn Hố Chuối do người Pháp chụp lại.

Tinh thần chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân, tài chỉ huy quân sự của tướng lĩnh cộng thêm sự phòng thủ kiên cố đã làm cho Hố Chuối trở thành một căn cứ vững chắc khiến kẻ thù khiếp đảm và phải thú nhận: “Trái với nguyên tắc thông thường về việc lựa chọn địa điểm để thiết lập một vị trí phòng thủ, đồn này nằm vào một chỗ trũng, một nửa đồn được đào sâu vào lòng đất... Do cảnh tượng rùng rợn của nó, do số lượng các công trình phòng ngự cùng những trở ngại chồng chất làm cho nó trở thành một công sự vô cùng vững mạnh. Cái đồn lũy này quả xứng đáng với cái tên Đồn của thần chết mà nhân dân địa phương đã đặt cho nó” (trích cuốn Giặc giã và thổ phỉ ở Bắc Kỳ-Phơrây- Pari 1892). Bình luận về sự nghiệp của Hoàng Hoa Thám, một sĩ quan Pháp tên là Hênêcon từng tham gia chống khởi nghĩa Yên Thế đã viết: “Khi mặt đất phủ đầy bóng tối đã ló ra dấu tích của ông và đồn Hữu Nhuế (đồn Hố Chuối), tôi cảm thấy mình đang bay bổng cùng huyền thoại về một con người anh hùng mà chắc chắn sẽ sáng mãi với các thế hệ người Việt Nam...”. 

Đất Phồn Xương với khu đồn lũy cùng tên chính là đại bản doanh của cuộc khỏi nghĩa được xây dựng trong hai năm 1894 - 1895. Sau nhiều lần tấn công vào Yên Thế thất bại, cuối năm 1897 toàn quyền Đông Dương là Đume buộc phải chấp nhận hoà hoãn với nhiều điều khoản do Đề Thám đưa ra. Tranh thủ 13 năm hoà hoãn (1897 - 1909), Đề Thám vừa lo củng cố lực lượng quân sự vừa chú trọng phát triển kinh tế - văn hoá, xây dựng vùng Phồn Xương thành "một thế giới riêng biệt”.

Sử cũ cũng chép rằng, khi về Yên Thế hội kiến Hoàng Hoa Thám, chí sĩ Phan Bội Châu đã ngỡ ngàng, thảng thốt trước đồn Phồn Xương và nói rằng: “Những người bị khổ sở về chính quyền bạo ngược đều lấy doanh trại của tướng quân (tức Hoàng Hoa Thám) làm nơi ẩn trú. Vì thế, người rất đông đúc, tiếng gà tiếng chó rộn vang tựa như một cảnh tân đào nguyên của những bậc lánh đời vậy. Năm nọ, tôi hai lần tới đồn, xem khắp chung quanh, trâu cày từng đội, chim rừng quyện người, đàn bà trẻ con nhởn nhơ tiếng chày rậm rịch, có cái vẻ vui của những ngày đình đám hội hè mà không hề có tiếng thở than về chính quyền bạo ngược và mãnh hổ hại người. Tạo lập được một thế giới riêng biệt, thực là một nỗ lực riêng của tướng quân”.

Vốn chỉ là những nông dân chân đất mà nghĩa quân Yên Thế đã khiến thực dân Pháp nhiều phen “thất điên, bát đảo”, “bạc tóc vì lo”, “mất ăn mất ngủ” trong suốt 30 năm ròng. Hơn 136 năm đã trôi qua, nhưng những dấu tích, những địa điểm lịch sử về phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế vẫn còn lưu giữ trên quê hương Bắc Giang rất đậm nét, chỗ nào cũng sáng ngời những chiến công.

Đông Khánh

BẢN DESKTOP