Dinh dưỡng học đường

Đậu rồng giúp trẻ mau lớn

  • Tác giả : DS Nguyễn Văn Hào
(khoahocdoisong.vn) - Đậu rồng có tên khoa học tetragonolobus, được gọi là đậu Goa, đậu bốn cạnh, đậu bốn góc, đậu Manila, đậu Mauritius - là một loại cây họ đậu nhiệt đới New Guinea.

Đậu rồng không chỉ là nguồn cung cấp rau sạch cho bữa ăn hằng ngày ở mỗi gia đình, mà còn là thức ăn bổ sung chất đạm, chất béo cao cho cơ thể. Đậu rồng sử dụng đơn giản: Khi quả còn non hái về tước bỏ cuống, xơ, cắt lát xào thịt, nấu canh, kho với cá, luộc chấm với nước mắm hoặc cắt lát mỏng, bóp giấm ăn sống như xà lách ngon và bổ.

Theo dược tính hiện đại, hạt đậu rồng chứa tới 32 - 36% protit; 13 - 17 lipit; 26 - 33% gluxit, đặc biệt là có chứa chất cần thiết cho sự phát triển cơ thể trẻ em (như các axit amin, lizin, metiomin, cystin). Lượng canxi cao, tỷ số canxi/photpho lớn nhất chứng tỏ sự hơn hẳn của đậu rồng so với đậu nành, lạc.

Theo y học cổ truyền, đậu rồng có vị ngọt, tính mát, dùng chữa cho người suy nhược, mới ốm dậy, phụ nữ có thai, sau sinh ít sữa, người làm việc quá sức, thị lực kém, tai ù khó nghe. Kinh nghiệm người dân hay hái quả chín phơi lấy hạt, sao vàng, xay nhỏ chế thành dạng bột, kem, sữa... chữa bệnh suy dinh dưỡng người lớn, trẻ em, bệnh trẻ em bụng ỏng, đói protein rất hiệu quả. Trái đậu rồng còn non xắt lát xào thịt bò, cho thêm tỏi, gia vị với liều lượng vừa đủ, ăn nhiều lần chữa chứng huyết thiếu, tóc rụng, suy nhược cơ thể, lao lực.

Đậu rồng tươi chứa một số lượng khá cao vitamin C. 100g đậu rồng cung cấp 18,3mg hoặc 31% vitamin C, là chất chống oxy hóa tan mạnh trong nước và khi được cung cấp đầy đủ trong chế độ ăn uống góp phần xây dựng khả năng miễn dịch, chống lại các bệnh nhiễm vào cơ thể, duy trì độ đàn hồi của mạch máu và ngăn ngừa bệnh ung thư.

DS Nguyễn Văn Hào (Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu)

DS Nguyễn Văn Hào

BẢN DESKTOP