Dữ liệu y khoa

Đau ngực đột ngột cẩn thận tắc mạch phổi

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Tắc động mạch phổi (TĐMP) nếu không được cấp cứu kịp thời tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Bệnh thường tái phát sau vài giờ đầu tiên.

Tỷ lệ tử vong lên đến 30%

Anh Nguyễn Trọng T. (52 tuổi, Phú Thọ) bị đau ngực, khó thở đột ngột đi cấp cứu tại bệnh viện huyện được chẩn đoán suy tim và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ. Người bệnh nhập viện vào giờ thứ 8 sau đau trong tình trạng: Tỉnh, suy hô hấp, kích thích vật vã, tím môi, đau ngực...

Bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp - shock tắc nghẽn do tắc động mạch phổi cấp (TĐMP)/viêm phổi - suy tim. Nhờ cấp cứu kịp thời liệu pháp oxy và dùng thuốc tiêu sợi huyết, thuốc kháng đông, kháng sinh... bệnh nhân dần qua cơn nguy kịch, hết đau ngực và sốt, các xét nghiệm trở về bình thường và ra viện sau 10 ngày.

ThS.BS Hà Thị Bích Vân, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, bệnh nhân T. rất may mắn vì được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời nếu không nguy cơ tử vong rất lớn. Xử trí TĐMP cấp phải được triển khai càng sớm càng tốt, nếu không được điều trị tỷ lệ tử vong cao, lên đến 30%. Hầu hết các trường hợp tử vong đều do TĐMP tái phát sau vài giờ đầu tiên. 

CT Scaner 64 dãy động mạch phổi khi vào viện.

CT Scaner 64 dãy động mạch phổi khi vào viện.

Những người có nguy cơ cao TĐMP

Theo BSCKI Bùi Thị Thu Hà, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, TĐMP là hiện tượng tắc ít nhất một ĐMP hoặc nhánh ĐMP, thường do huyết khối từ tĩnh mạch sâu di chuyển lên. Đây là một bệnh khá thường gặp tuy nhiên khó chẩn đoán vì dễ nhầm với các bệnh khác. 

TĐMP thường phát sinh từ huyết khối có nguồn gốc trong hệ thống tĩnh mạch sâu chi dưới, hiếm khi có nguồn gốc tĩnh mạch chậu hông, tĩnh mạch thận, tĩnh mạch chi trên, hoặc các buồng tim bên phải. Sau khi đi vào phổi, huyết khối lượng lớn có thể dừng tại các nhánh ĐMP chính hoặc nhánh thùy và gây ra sự biến đổi bệnh lý về huyết động học.

Ngoài ra, một số chất khác gây TĐMP như mỡ tủy xương sau gãy xương, một phần của khối u, bong bóng khí. Người có nguy cơ cao TĐMP là: Tuổi cao, bất động lâu ngày, rối loạn đông máu di truyền, phẫu thuật, các vấn đề y tế như bệnh tim mạch, có thai, ung thư; đặc biệt chú ý những bệnh nhân có tiền sử tắc mạch phổi hoặc có bằng chứng viêm tắc tĩnh mạch chi dưới trong quá khứ hay hiện tại (sưng, nóng, đỏ, đau, mạch mu chân bắt rõ). Hút thuốc lá, béo phì, sử dụng estrogen cũng là yếu tố nguy cơ của TĐMP...

Triệu chứng kinh điển của TĐMP là đau ngực kiểu màng phổi đột ngột (đau tăng khí ho hắt hơi, ăn uống, hít sâu, vặn mình, không giảm khi nghỉ ngơi), khó thở. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân triệu chứng lại không rõ ràng. Thay vào đó, có thể xuất hiện những thay đổi huyết động nặng nề, tụt huyết áp, sốc, hôn mê, ho ra máu...

Để dự phòng và phát hiện TĐMP tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, các bác sĩ khuyên: 

- Với các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ, khi có các triệu chứng về hô hấp, nên đến bệnh viện ngay tránh chậm trễ.

- Thực hiện lối sống lành mạnh, không sử dụng chất kích thích thích và hút thuốc lá, ăn nhiều rau quá, uống nhiều nước, hạn chế dầu mỡ phủ tạng động vật, chất béo.

- Tập thể dục thường xuyên nhất là đi bộ, không ngồi hay đứng lâu mà không vận động, khoảng 30 - 45 phút nên đứng dậy vặn mình khởi động chân tay.

- Với bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cần dùng thuốc chống đông dự phòng bằng heparin trọng lượng phân tử thấp hoặc kháng vitamin K. Hậu phẫu nên cho bệnh nhân vận động sớm.

- Phát hiện và điều trị tốt các bệnh lý tim mạch, bệnh lý viêm tắc hay suy van tĩnh mạch chi dưới.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP