Dữ liệu y khoa

Đau lưng hông do ung thư tế bào biểu mô thận

  • Tác giả : Thúy nga
(khoahocdoisong.vn) - Thỉnh thoảng có đợt đau nhức hông, bệnh nhân đã phải cắt cả thận phải vì ung thư tế bào biểu mô thận (UTTBBMT). Đây là loại ung thư chiếm hơn 90% các khối u tại thận và tỷ lệ tử vong cao nhất, 40% với các ung thư khác của hệ tiết niệu. U phát triển bên trong thận nên khó được phát hiện sớm, khi tới viện đã là giai đoạn cuối của bệnh.

Rất khó phát hiện

Bệnh nhân H.T.N. (Quảng Ninh) từ nhỏ thỉnh thoảng có hiện tượng đau nhức lưng vùng hông. Cứ 2, 3 năm hoặc vài tháng để ý thấy đau một đợt. Gần đây, người bệnh xuất hiện đau bụng quặn phải, không đau lan, kèm theo mệt mỏi. Người bệnh đã đi soi dạ dày, siêu âm ổ bụng, CT ổ bụng cho thấy hình ảnh khối u thận phải kích thước khoảng 7cm và được chuyển Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) điều trị. Được chẩn đoán UTTBBMT, bệnh nhân đã được cắt thận phải toàn bộ và phát hiện khối u kích thước 7cm tại cực dưới thận, ranh giới rõ, chưa vượt qua bao thận.

ThS Trần Anh Tuấn, Bệnh viện K cho biết, UTTBBMT là dạng thường gặp nhất của ung thư thận (chiếm 90%) và có tỷ lệ tử vong cao nhất chiếm 40% các loại ung thư khác của hệ tiết niệu. Bệnh thường gặp ở người từ 50 – 70 tuổi. Tỷ lệ UTTBBMT trong cộng đồng ước tính khoảng 3/10.000 người. Hằng năm ở Mỹ, phát hiện mới khoảng 31.000 người bị ung thư tế bào biểu mô thận, và khoảng 12.000 người tử vong.

Theo TS Uông Thanh Tùng, Phó Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa, UTTBBMT thường có 4 giai đoạn chính: Giai đoạn I: Khối u bắt đầu hình thành ở bên trong thận. Lúc này, khối u có kích thước rất nhỏ và khó có thể phát hiện được thông qua chẩn đoán thông thường (như siêu âm). Giai đoạn II các khối u gây ung thư đang dần dần phát triển và có kích thước lớn hơn 7cm. Ung thư lúc này vẫn chưa lan sang các cơ quan khác. Giai đoạn III khối u đã lan ra các hạch bạch huyết khu vực, hoặc đã đi sâu vào tĩnh mạch chính và các mô xung quanh. Tuy nhiên nó vẫn chưa lan rộng sang các cơ quan bên ngoài thận. Giai đoạn IV là giai đoạn cuối cùng của bệnh cũng là giai đoạn tiến triển nhất của bệnh. Lúc này, các khối u đã xâm lấn sang tuyến thượng thận, các hạch bạch huyết, hoặc di căn tới bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể (ví dụ như xương, phổi hoặc não)...

Loại ung thư dễ tái phát

UTTBBMT thường hiếm khi xảy ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, hiện nay các xét nghiệm thông thường được sử dụng trong việc sàng lọc ung thư thận cũng khó có thể phát hiện ra ung thư trong các trường hợp không biểu hiện ra triệu chứng cụ thể, có thể dẫn tới nhầm lẫn với các căn bệnh đường tiết niệu khác. Cho tới giai đoạn sau (giai đoạn tiến triển của bệnh), người bệnh mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng rõ ràng, bao gồm: tiểu ra máu; Đau vùng hông và lưng kéo dài; Bụng bị căng cứng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sốt, giảm cân, cơ thể suy nhược, hoa mắt, chóng mặt, chán ăn, thiếu máu, đổ mồ hôi đêm, huyết áp cao...

TS Uông Thanh Tùng cho biết, UTTBBMT là loại ung thư dễ tái phát và di căn nguy hiểm. Có những bệnh nhân bị ung thư một bên đã được cắt bán phần hoặc toàn bộ sau điều trị lại tái phát phần còn lại hoặc di căn sang thận kia. 

Vì vậy, bệnh cần được phát hiện điều trị sớm. Tốt nhất người trên 50 tuổi, 6 tháng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, siêu âm ổ bụng 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm bệnh. Bởi nếu phát hiện được u ở giai đoạn sớm tỷ lệ sống sau 5 năm khi khối u còn dưới 4cm đường kính là 90 - 95%. Khi khối ung thư lớn hơn nhưng chưa xâm lấn vào tĩnh mạch, tỷ lệ sống 5 năm là 80 - 85%. Khối u đã xâm lấn qua bao thận tới các mô lân cận, tỷ lệ sống 5 năm gần 60%. Nếu ung thư đã di căn xa tới các cơ quan khác, tỷ lệ sống 5 năm dưới 5%.

Thúy nga

BẢN DESKTOP